Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử tại Đà Nẵng
Toàn cảnh buổi hội thảo.
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết phát biểu tại lễ khai mạc, cho biết rằng Đà Nẵng đã bắt đầu những bước đi đầu tiên trong việc xây dựng Chính quyền điện tử từ cách đây 10 năm. Lãnh đạo thành phố luôn xác định tầm quan trọng đặc biệt của ngành CNTT đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, xem đó là động lực, định hướng để dẫn dắt sự phát triển. Hội thảo lần này là cơ hội tốt để chia sẻ kinh nghiệm và thành quả ứng dụng CNTT của các địa phương cũng như học hỏi kinh nghiệm của các chuyên gia hàng đầu, của các công ty trong lĩnh vực phát triển CNTT.
Nội dung và chủ đề Hội thảo bao gồm việc giới thiệu về phát triển Chính phủ điện tử, các thách thức gặp phải và khả năng ứng phó; xây dựng hạ tầng và phát triển dịch vụ điện toán đám mây trên nền tảng mã nguồn mở; thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến, nâng cao chất lượng dịch vụ công hướng tới nền hành chính công hiện đại và hiệu quả… Các đại biểu cũng được cập nhật các xu hướng công nghệ góp phần đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công và xây dựng chính phủ điện tử từ các tập đoàn công nghệ lớn như DTT, FPT IS, Cisco Systems, Viettel…
Sau phần báo cáo tham luận, hội thảo tổ chức buổi tọa đàm "Liên kết, hỗ trợ và lan tỏa phát triển chính phủ điện tử các vùng miền" tập trung chia sẻ kinh nghiệm triển khai và phát triển hạ tầng thông tin tại các tỉnh, thành hiện nay; những khó khăn gì trong việc triển khai đồng bộ, kết nối hạ tầng thông tin tại địa phương và Trung ương; làm thế nào để nâng cao hiệu quả quản lý tập trung các hệ thống cơ sở dữ liệu về quản lý dân cư, quản lý doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất; chia sẻ kinh nghiệm nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ công tại các tỉnh, thành và các sáng kiến tăng cường hợp tác giữa các chính quyền điện tử tại các vùng miền; làm thế nào để khuyến khích người dân và doanh nghiệp tích cực tham gia phản hồi và đóng góp ý kiến xây dựng Chính phủ điện tử; những đề xuất giải pháp phát triển Chính phủ điện tử trong giai đoạn 2015- 2020...
Ngoài ra, đại biểu tham gia trao đổi, thảo luận 2 chuyên đề: "Phát triển hạ tầng thông tin thông minh: nâng cao nâng lực xây dựng Chính phủ điện tử"; "Phát triển dịch vụ công thông minh: nâng cao mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp". Các đại biểu được tham quan khu vực triển lãm các giải pháp CNTT hiện đại, tối ưu như: máy khắc thẻ công nghiệp bằng laser, giải pháp trung tâm dữ liệu FlexPod, giải pháp phần mềm hội nghị, truyền hình hội nghị, thiết bị đầu cuối cầm tay phục vụ xác thực danh tính trên di động…
Hội thảo đã đưa ra một bức tranh phát triển toàn cảnh Chính phủ điện tử tại ViệtNam, mở ra nhiều hướng đi mới trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông. Hiện nay, Việt Nam đang trong lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử, chủ yếu trên nền ứng dụng web (E- Govermment) và đang có xu hướng dịch chuyển dần sang nền tảng di động (M-Govermment) với mục tiêu cung cấp dịch vụ cho người dân mọi lúc mọi nơi.
Hội thảo khẳng định việc tích hợp công nghệ di động vào phát triển và xây dựng Chính phủ điện tử là hướng đi đúng đắn nhằm tiến gần hơn nữa tới việc cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp cũng như các ứng dụng dịch vụ Chính phủ điện tử trong cơ quan nhà nước và các tổ chức mọi lúc, mọi nơi. Bởi trong thực trạng hiện nay, tốc độ tăng trưởng tỷ lệ sử dụng thiết bị di động và các điện thoại thông minh (smartphone) đang trở nên mạnh mẽ cùng với đó là sự sẵn sàng về công nghệ, dữ liệu và thông tin để cung cấp các dịch vụ ứng dụng trên di động tới người dân, doanh nghiệp, tổ chức của Chính phủ.
Hội thảo hy vọng các đại biểu sẽ đưa ra những sáng kiến, các chương trình hợp tác các giải pháp chung cho các địa phương đang nỗ lực phát triển chính phủ điện tử; chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng CNTT phục vụ nền hành chính hiện đại, thực hiện mục tiêu xây dựng chính quyền vì dân.
Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2014 là hội thảo có quy mô lớn, đã đón tiếp nhiều đại biểu đại diện cho Bộ Thông tin & Truyền thông, Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Tài chính; các đại biểu là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND các tỉnh thành phố, các đơn vị công nghệ thông tin đầu ngành; 42 đại biểu là lãnh đạo các Sở Thông tin & Truyền thông trên cả nước, 25 diễn giả trong và ngoài nước. Đại biểu tỉnh Bình Định tham dự có ông Nguyễn Thanh Mừng, Phó Giám đốc Sở TT&TT và lãnh đạo Trung tâm Hạ tầng Thông tin Bình Định.
SÔNG HÀN-V.S.