Kết quả công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2020
Ảnh minh họa (Nguồn: baobinhdinh.com.vn)
Tình hình thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền được thực hiện nghiêm túc, tuân thủ đúng theo quy định pháp luật hiện hành. Tình hình tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh ngày càng được cải thiện, ý thức chấp hành pháp luật ngày càng được nâng lên.
Công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) được các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh quan tâm, tổ chức triển khai thực hiện với nhiều hình thức, nội dung đa dạng, phong phú, thu hút được sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Trong đó, Hội đồng Phối hợp PBGDPL các cấp đã thể hiện được vai trò, vị trí trong việc chủ động tư vấn, phối hợp, tổ chức triển khai thực hiện công tác PBGDPL; đã cơ bản hoàn thành các nội dung theo Kế hoạch của UBND tỉnh và của cơ quan, đơn vị, địa phương đề ra, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Công tác hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp tiếp tục chuyển biến, đáp ứng kịp thời nhu cầu của tổ chức và công dân; góp phần đưa công tác hành chính, bổ trợ tư pháp ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả và nền nếp hơn; góp phần giải quyết các thủ tục hành chính của tổ chức, cá nhân được nhanh chóng và kịp thời hơn; tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực bổ trợ tư pháp, phục vụ đắc lực hơn cho công cuộc cải cách tư pháp, cải cách hành chính.
Công tác trợ giúp pháp lý đã góp phần tích cực cùng với các ngành, các cấp trong việc giải tỏa một số vướng mắc pháp luật của nhân dân trong cuộc sống thường ngày ngay tại cơ sở, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự ở địa phương và nâng cao nhận thức pháp luật của người dân.
Hệ thống cơ quan Tư pháp từ tỉnh đến cơ sở được kiện toàn; trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cơ bản đã được chuẩn hóa, có tinh thần trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao, có phẩm chất đạo đức tốt…
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tư pháp trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật còn nhiều bất cập. Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (DN) gặp phải những khó khăn như: Đội ngũ cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho DN còn ít về số lượng, chưa thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức pháp luật và kỹ năng hỗ trợ pháp lý cho DN; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nói chung, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động DN nói riêng còn chồng chéo, từ đó gây khó khăn cho DN trong quá trình tra cứu và áp dụng; hình thức hỗ trợ pháp lý cho DN chưa phù hợp… Đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế tại địa phương chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa có cán bộ chuyên trách nên chất lượng và hiệu quả của công tác này chưa thật sự cao. Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật còn tồn tại nhiều bất cập, chưa phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; hơn nữa, các văn bản này thường xuyên sửa đổi, bổ sung nên trong quá trình áp dụng pháp luật, địa phương còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc… Công tác xây dựng, đảm bảo các tiêu chí về chuẩn tiếp cận pháp luật chưa được chú trọng, chỉ tập trung vào hoạt động đánh giá các chỉ tiêu, tiêu chí, do đó công tác đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật còn hình thức, chưa phản ánh đúng tình hình thực tiễn về tiếp cận pháp luật ở địa phương. Trong khi đó, nhận thức của một bộ phận lãnh đạo cơ quan , đơn vị, địa phương về công tác PBGDPL chưa thực sự đầy đủ và chưa tương xứng với vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác này nên còn thiếu quan tâm trong tổ chức thực hiện.
Kim Loan