Kiến nghị Bộ Ngoại giao can thiệp để công ty nước ngoài trả nợ cho dân
Theo ông Lộc, hiện BISUCO còn nợ người trồng mía hơn 20 tỉ đồng nhưng không chi trả trong khi các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định không liên lạc được với lãnh đạo công ty là người Ấn Độ.
Trước đó, cuối tháng 4-2014, hàng trăm người dân tại nhiều địa phương ở Bình Định và thị xã An Khê (Gia Lai) đã kéo đến phong tỏa Nhà máy Đường Bình Định yêu cầu công ty này phải trả nợ tiền mua mía của người dân với tổng cộng hơn 46 tỉ đồng. Trong khi đó, BISUCO chỉ hứa chung chung mà không đưa ra cam kết, thời gian trả nợ khiến người dân rất bức xúc, tình hình nhiều lúc rất căng thẳng.
Lãnh đạo tỉnh Bình Định đã họp khẩn, yêu cầu BISUCO phải có phương án, lộ trình trả nợ dứt điểm, cam kết cụ thể trước người dân. Đại diện BISUCO (người Việt Nam) hứa sẽ trả nợ dứt điểm vào ngày 7-6.
Sau đó, theo yêu cầu của lãnh đạo tỉnh Bình Định, BISUCO đã mở kho đường, xuất bán trả nợ được 26 tỉ đồng. Hiện nay, lãnh đạo BISUCO không có mặt tại công ty để giải quyết các khoản nợ còn lại.
“Chúng tôi kiến nghị Bộ Ngoại giao đề nghị Đại sứ quán Ấn Độ, Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP.HCM có ý kiến với Tập đoàn Anagar Juna hoặc trực tiếp đến tỉnh Bình Định bàn biện pháp giải quyết; nếu kéo dài sẽ gây bức xúc trong người dân và có nguy cơ tạo điểm nóng”- ông Lê Hữu Lộc nói.
Trước đây, tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định, đại diện BISUCO cho rằng do công ty này dành phần lớn nguồn vốn để mua thiết bị nâng công suất nhà máy nên lâm vào nợ nần. Tuy nhiên, ông Lê Hữu Lộc yêu cầu BISUCO phải trả nợ dứt điểm tiền mua mía nguyên liệu cho nông dân, bất luận lý do gì.
Theo plo.vn