Lễ giao nhận thiết bị và công nghệ câu cá ngừ đại dương của Nhật cho ngư dân Bình Định
Tham dự buổi lễ phía tỉnh Bình Định, có các đồng chí Nguyễn Văn Thiện, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ; Lê Hữu Lộc, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí trong Ban thường vụ Tỉnh uỷ; đại diện các sở, ngành liên quan của tỉnh, huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát và cùng đông đảo bà con ngư dân ở địa phương.
Về phía Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, có ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ Tịch Hội đồng thành viên vá các ủy viên hội đồng thành viên của công ty.
Về phía Hội hữu nghị Nhật – Việt, có ông Hirosuke Kato, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Nhật-Việt tại Sakai, kiêm Chủ tịch Kato Hitoshi General Office; ông Masakazu Shoga, chuyên gia thủy sản của Kato Hitoshi General Office.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, Bình Định là tỉnh ven biển thuộc duyên hải miền Trung, có bờ biển dài 134 km. Ngư dân Bình Định có truyền thống và kinh nghiệm khai thác xa bờ trên các vùng biển của Tổ quốc. Đội tàu cá của Bình Định có năng lực, thế mạnh về khai thác hải sản xa bờ. Cả tỉnh hiện có 7.200 tàu cá với khoảng 50.000 lao động thuyền viên. Trong đó có 2.750 tàu cá khai thác xa bờ với công suất mỗi chiếc từ 90 CV trở lên. Có khoảng 30.000 lao động thuyền viên. Sản lượng khai thác hàng năm đạt gần 200 ngàn tấn, trong đó có 10 ngàn tấn cá ngừ đại dương.
Tuy nhiên, hiện trạng đội tàu và phương pháp khai thác, xử lý bảo quản cá ngừ đại dương vẫn còn một số khó khăn bất cập, sản lượng tuy cao nhưng chất lượng, giá trị, kim ngạch xuất khẩu lại đạt thấp; khả năng tàu vươn khơi, chống chọi với thiên tai, nhân tai trên biển rất kém, đặc biệt là trong tình hình trên Biển Đông hiện nay. Do vậy việc việc ứng dụng công nghệ và sử dụng thiết bị câu cá ngừ đại dương của Nhật đối với ngư dân Bình Định, cũng như và việc ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển đội tàu cá vỏ thép và vật liệu mới tại Bình Định sẽ góp phần đồng hành để bà con ngư dân tiếp tục vươn khơi, bám biển, họat động khai thác có hiệu quả hơn.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lễ Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: hiện tại chất lượng cá ngừ của tỉnh chưa cao mặc dầu sản lượng hàng năm rất lớn đó là do ngư dân ta đánh bắt và bảo quản không đúng kỹ thuật nên thị trường tiêu thụ tại Nhật không có. Tỉnh đã cử cán bộ sang Nhật học tập và mua 5 bộ dụng cụ câu cá theo kỹ thuật của Nhật với mong muốn chất lượng cá được nâng cao, thị trường tiêu thụ cá lớn hơn.
Thông qua hỗ trợ kết nối của Hội hữu nghị Nhật – Việt tại Sakai, ngư dân tỉnh Bình Định đã được nắm bắt công nghệ và mua thiết bị khai thác cá ngừ đại dương của Nhật để phổ biến, bàn giao cho ngư dân sử dụng, khai thác đem lại hiệu quả kinh tế cao. Phát biểu tại buổi lễ giao nhận thiết bị, ông Hirosuke Kato, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Nhật-Việt tại Sakai cho hay, Nhật Bản là thị trường truyền thống của Bình Định về sản phẩm cá ngừa đại dương. Tuy nhiên cá ngừ của ngư dân địa phương khai thác có sản lượng cao nhưng chất lượng chưa đạt theo yêu cầu thị trường Nhật. Do vậy, các chuyên gia Nhật đã khảo sát rất kỹ sản lượng cá và kỹ thuật bảo quản tuyền thống của ngư dân; đồng thời chuyển giao kỷ thuật bảo quản mới, hỗ trợ 5 bộ thiết bị khai thác cá ngừ cho ngư dân Bình Định để hoạt động khai thác theo mô hình tổ đội. Hiện nay, 5 tàu cá này khai thác cá ngừ đại dương có hiệu quả kinh tế cao nhờ bảo quản cá theo cách thức mới của Nhật Bản. Tại buổi lễ, ông Hirosuke Kato, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Nhật-Việt tại Sakai đã chính thức bàn giao các bộ dụng cụ khai thác cá ngừ đại dương cho ngư dân Hoài Nhơn.
Cũng tại buổi lễ này, cùng với nhân dân cả nước “Chung tay góp sức bảo vệ biển Đông” ủng hộ ngư dân vươn khơi bám biển sản xuất trên các vùng biển xa của Tổ quốc, Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC) cùng với UBND tỉnh Bình Định ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển đội tàu cá vỏ thép và vật liệu mới.
Lê Anh