Ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp
Hệ thống xử lý nước thải tập trung KCN Phú Tài
* Môi trường bị “bỏ quên”
Khi doanh nghiệp (DN) đăng ký đầu tư vào các KCN, cùng với các yếu tố quan trọng khác, BVMT luôn được đưa lên hàng đầu. Nhưng, lúc triển khai dự án, nhiều DN “bỏ quên” khâu bảo vệ môi trường.
Trong tổng số 102 DN đang hoạt động sản xuất trên địa bàn KKT, KCN của tỉnh, chỉ có 33 DN thực hiện tốt và đạt yêu cầu về công tác BVMT, còn lại 69 DN chưa đạt yêu cầu, trong đó có 51 DN không tuân thủ đúng quy định của pháp luật về BVMT.
Hiện tại, nhiều DN chưa thực hiện cải tạo, nâng cấp hệ thống bể tự hoại và đấu nối nước thải sinh hoạt vào hệ thống xử lý nước thải tập trung tại khu công nghiệp. Trong năm 2014, tại KCN Phú Tài và KCN Long Mỹ số lượng DN thực hiện đấu nối nước thải vào hệ thống xử lý nước thải tập trung chỉ mới đạt 83%.
Phần lớn các DN chưa có giải pháp hữu hiệu trong công tác phân loại thu gom, quản lý và xử lý chất thải nguy hại, thậm chí co DN còn thu gom chất thải nguy hại và xử lý chung với rác thải sinh hoạt.
Một số DN ngành chế biến gỗ, bao bì, thức ăn gia súc, chế biến đá granite,… chưa thực hiện tốt việc thu gom và xử lý khói bụi, nước thải bột đá trong quá trình sản xuất đã làm phát tán khói thải đen, nước thải ra môi trường sống sinh hoạt, sản xuất của người dân khu vực, dẫn đến tình trạng khiếu nại, khiếu kiện kéo dài trong nhân dân.
Ông Man Ngọc Lý-Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Bình Định, cho biết: Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên xuất phát chủ yếu từ nhận thức của các DN. Một số DN vẫn còn tư tưởng tập trung vào lợi nhuận, xem nhẹ hoặc cố ý vi phạm các quy định về BVMT. Bên cạnh đó, các DN có tư tưởng né tránh trách nhiệm, không đầu tư cho công tác BVMT hoặc tìm cách trì hoãn, kéo dài các yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước trong việc khắc phục các sự cố môi trường do hoạt động sản xuất của mình gây ra
* Nâng cao chất lượng quản lý BVMT
Ðể từng bước khắc phục tình trạng trên, thời gian tới các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra pháp luật về BVMT tại các KCN, xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động đánh giá môi trường chiến lược, tác động môi trường đối với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và dự án phát triển, nhất là ở khâu thẩm định, kiểm tra sau thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường nhằm bảo đảm các dự án trước khi đi vào hoạt động được xác nhận hoàn thành công trình, biện pháp BVMT, đồng thời chỉ cho phép xây dựng các nhà máy, dự án trong KCN, CCN sau khi đã hoàn thành cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các công trình BVMT.
Hiện nay, chế tài xử lý các hành vi vi phạm còn hạn chế. Mức xử phạt hành chính còn thấp so với kinh phí bỏ ra để xử lý chất thải, dẫn đến hình thức xử phạt thiếu tính giáo dục, răn đe, phòng ngừa. Hơn nữa, lực lượng cảnh sát môi trường chưa có thẩm quyền ra quyết định áp dụng các hình phạt bổ sung như tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động, buộc di dời các doanh nghiệp vi phạm… Bên cạnh đó, quá trình đấu tranh với các vi phạm pháp luật về môi trường không đơn giản, bởi phải bảo đảm hài hòa giữa tính nghiêm minh của pháp luật với chính sách phát triển kinh tế của địa phương và quyền lợi của người dân. Cần phát huy hơn nữa vai trò của các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị – xã hội, đoàn thể và cộng đồng dân cư trong việc giám sát thực thi chính sách, pháp luật về BVMT tại các địa phương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Cao Thắng kêu gọi các đơn vị, nhà máy xí nghiệp, các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh nói chung và các DN trong KKT, KCN nói riêng, ngoài việc chú trọng chất lượng sản phẩm, hàng hóa cần phải quan tâm thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, tăng cường cải tiến công nghệ sản xuất, tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu chất thải phát sinh ra môi trường, luôn nhận thức sâu sắc, hành động thiết thực để bảo vệ môi trường vì một môi trường sống an toàn cho mọi người và cho chính chúng ta./.
Lê Kim Yến