A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vào dịp Tết

(binhdinh.gov.vn) Hiện nay, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đang “nóng” do nhu cầu tiêu dùng tăng, kéo theo việc sản xuất và lưu thông một khối lượng lớn các loại thực phẩm trên thị trường nhất là vào dịp tết Nguyên đán. Do đó, nguy cơ thực phẩm không bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn là rất lớn. Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Định đã có cuộc trao đổi với Bác sĩ Trần Thị Ánh Hồng – Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm xoay quanh vấn đề này.

Tăng cường công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vào dịp Tết

 

Nhìn lại vấn đề ATVSTP trong năm qua, xin bà cho biết ngành ATVSTP  đã đạt được những kết quả gì? Thưa bà?

Xác định  ATVSTP là một vấn đề nóng, liên quan trực tiếp đến đời sống người dân. Thời gian qua, công tác quản lý về an toàn thực phẩm đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, ngành chức năng triển khai đồng bộ. Hiện tại, tỉnh có 3 ngành quản lý công tác ATVSTP là Y tế, Nông nghiệp và Công thương, các ngành đã có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong công tác thanh tra, kiểm tra ATTP và mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Cụ thể,  năm 2014 Đoàn thanh tra, kiểm tra tiến hành thanh tra, kiểm tra 7.112 cơ sở. Trong đó có 6.272 cơ sở đạt (chiếm 88,2%) và 840 cơ sở vi phạm (chiếm 11,8%), 94 cơ sở bị phạt tiền. So với năm 2013, tỷ lệ cơ sở được kiểm tra đạt yêu cầu về ATTP tăng 4,3%, số cơ sở vi phạm giảm 4,3 %, số cơ sở bị nhắc nhở giảm 4%...

Mặt khác, các cơ sở có đủ điều kiện về  ATTP tăng lên, nhiều cơ sở thực phẩm chấp hành tốt các quy định về vệ sinh ATTP, người tiêu dùng cũng có kiến thức hơn về việc chọn lựa thực phẩm…Tuy nhiên, công tác ATVSTP trong năm qua vẫn còn một số vấn đề nổi cộm, tại các huyện như Tây Sơn, Hoài Nhơn và xã Nhơn Lý đã xảy ra vài vụ ngộ độc thực phẩm nguyên nhân do thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn. Đặc biệt, tại huyện An lão đã có 2 ca tử vong do bị nhiễm độc tố tự nhiên từ rễ cây lá ngón được ngâm trong rượu.

Công tác kiểm soát ATVSTP thời gian vừa qua còn gặp những vấn đề khó khăn nào? Thưa bà?

Vấn đề kiểm soát ATVSTP không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý mà nó còn là trách nhiệm của toàn xã hội. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn xuất hiện nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, dịch vụ thức ăn đường phố không có đăng ký kinh doanh, địa chỉ không ổn định nên công tác kiểm soát rất khó khăn. Mặt khác, việc phân công phối hợp quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm theo Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BTC tại địa phương còn nhiều bất cập. Hiện tại, ngành nông nghiệp và công thương của tỉnh vẫn chưa có lực lượng chuyên trách về công tác ATTP ở cấp huyện và xã nên nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh bị bỏ ngỏ, chưa được kiểm tra. Trên thực tế, năm 2014 việc tổ chức các đoàn kiểm tra chuyên ngành ATTP ngành y tế của tuyến huyện xã giảm so với năm 2013. Bên cạnh đó, kinh phí thực hiện chương trình mục tiêu VSATTP ngày càng giảm, riêng năm nay kinh phí giảm xuống đến 60% nên hiệu quả thực hiện công tác còn nhiều khó khăn. Hiện nay, việc quản lý ATVSTP trong suốt quá trình sản xuất, chế biến, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu  chưa quản lý hết được vì vậy việc bảo đảm an toàn thực phẩm chưa mang tính bền vững.   

Vào thời điểm cận tết và trong tết Nguyên đán lượng hàng hóa, thực phẩm thường được tiêu thụ với 1 lượng khá lớn? Vậy làm thế nào để có thể đảm bảo công tác ATVSTP vào dịp này?

Thời điểm giáp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, thực phẩm của người dân tăng cao, kéo theo việc sản xuất và lưu thông một khối lượng lớn các loại thực phẩm trên thị trường. Do đó, nguy cơ thực phẩm không bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn là rất lớn. Chính vì thế, công tác bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trong thời gian này phải được đặc biệt quan tâm. Vào thời điểm này, Sở Y tế sẽ phối hợp các Sở, ngành, đoàn thể liên quan thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành toàn diện trên địa bàn từ tỉnh đến các xã, phường. Qua đó, phát hiện, ngăn ngừa và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm. Đặc biệt, vào dịp tết nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh thời vụ mọc lên, buôn bán nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ vì thế ngành chức năng sẽ  tiến hành kiểm tra quản lý và tăng cường sử dụng các test nhanh để sơ bộ đánh giá kết quả mẫu thực phẩm và lấy mẫu kiểm tra chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, ngành chức năng cũng tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục cho người dân chấp hành luật ATVSTP cũng như biết và sử dụng thực phẩm an toàn.

Bà có lời khuyên gì cho người tiêu dùng trong việc sử dụng các mặt hàng, sản phẩm vào dịp Tết?

Hàng thực phẩm sử dụng trong dịp tết tăng cao, nhu cầu dùng thịt và các sản phẩm tươi sống nhiều. Do đó, người tiêu dùng cần phải tỉnh táo trong việc lựa chọn các sản phẩm mà chúng ta biết rõ nguồn gốc. Không mua các sản phẩm trôi nổi, sản phẩm không nhãn mác, không đăng ký tiêu chuẩn chất lượng để đảm bảo sức khỏe cho mình và người thân. Ngoài ra, người tiêu dùng nên lựa chọn những cơ sở kinh doanh đạt tiêu chuẩn về vệ sinh, đảm bảo chất lượng về khâu bảo quản để mua hàng, không nên mua những sản phẩm quá nhiều màu mè…

 

Xin cảm ơn bà!

Nguyễn Thị Thanh thực hiện.

 


Tin nổi bật Tin nổi bật