A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tập trung đẩy mạnh công tác trồng rừng thay thế

(binhdinh.gov.vn) Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả trồng rừng thay thế (TRTT) diện tích rừng chuyển sang mục đích khác và bàn các giải pháp thực hiện công tác này trong thời gian tới diễn ra vào sáng nay (12.10). Dự hội nghị tại điểm cầu Bình Định có lãnh đạo các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố (ảnh).

Báo cáo của Bộ NN&PTNT tại hội nghị cho biết, tổng diện tích rừng phải trồng thay thế do chuyển đổi mục đích sử dụng trong cả nước khoảng 67.750 ha, trong đó có 17.840 ha chuyển sang xây dựng các công trình thủy điện, còn lại là phục vụ mục đích khác. Theo lũy kế, đến nay cả nước đã trồng thay thế khoảng 15.959 ha (đạt 23,6%), các chủ dự án nộp về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng 262,3 tỷ đồng để trồng rừng thay thế. Riêng trong năm nay, số diện tích rừng phải trồng thay thế khoảng 22.300 ha. Tuy nhiên, đến nay mới 23/50 địa phương xây dựng kế hoạch trồng rừng với tổng diện tích 8.089 ha (đạt 36% kế hoạch năm), cả năm ước đạt sẽ trồng được 11.660 ha (bằng 53,2% kế hoạch).

Tại Bình Định, tổng diện tích TRTT là 1.518 ha; trong đó có 90 ha rừng chuyển sang làm thủy điện và 1.428 ha chuyển sang mục đích khác. Đến 31/12/2014, toàn tỉnh có 664 ha rừng được trồng thay thế. Theo kế hoạch, riêng năm 2015, Bình Định phải trồng 500 ha rừng thay thế đối với các dự án chuyển sang mục đích khác, tuy nhiên đến nay kết quả đạt rất thấp.

Theo Thứ Trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, sở dĩ diện tích rừng trồng thay thế đã thực hiện đạt thấp là do công tác chỉ đạo, triển khai TRTT nhiều tỉnh chưa quyết liệt, các địa phương chưa chủ động bố trí vốn ngân sách nhà nước để TRTT. Nhiều chủ dự án không chủ động trong xây dựng phương án TRTT cũng như thực hiện nộp tiền để TRTT. Một số dựa án đã nộp tiền vào Qũy bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh nhưng chưa chủ động tham mưu cho UBND tỉnh trong việc quản lý, điều phối tiền thu từ các chủ dự án để triển khai kế hoạch trồng rừng thay thế. Một số dự án đã hoàn thành, nghiệm thu, quyết toán, Ban Quản lý dự án đã giải thể cũng gây khó khăn trong việc quy trách nhiệm và giải quyết nguồn vốn cho trồng rừng thay thế.

Thời gian tới, để công tác TRTT đạt hiệu quả cao, Thứ Trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn kiến nghị Bộ Công thương chỉ đạo tập đoàn điện lực Việt Nam rà soát tình hình thực hiện TRTT của các đơn vị trực thuộc, kiên quyết thu hồi giấy phép, dừng hoạt động đối với các dự án không chấp hành TRTT; Bộ KH&ĐT phối hợp với các Bộ, ngành liên quan bố trí vốn TRTT đối với các dự án đã thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng rừng. Đối với các địa phương cần phải chỉ đạo quyết liệt các chủ đầu tư có chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác hoàn thành công tác TRTT…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải yêu cầu các bộ, ngành liên quan, các đơn vị, địa phương cần nỗ lực giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện, đảm bảo mỗi diện tích rừng chuyển đổi sẽ được thay thế bằng một diện tích rừng khác, hoàn thành tốt tiêu chí đảm bảo độ che phủ rừng đã được Chính phủ đề ra. Phó Thủ tướng lưu ý, các địa phương phải hoàn thành công tác TRTT đối với các công trình thủy điện trong năm 2015 và hoàn thành đối với các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trong năm 2016. Đối với các dự án đã nộp tiền về Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh, UBND các tỉnh khẩn trương chỉ đạo, giải quyết vướng mắc để trồng rừng ngay, không để tồn quỹ; trước khi phê duyệt dự án mới phải xem xét đến nội dung đảm bảo trồng rừng thay thế; rà soát diện tích các nhà máy mới đi vào hoạt động để có chỉ đạo thực hiện toàn diện; tăng cường quản lý và thực hiện ký kết với chủ đầu tư về nội dung TRTT…


Tin, ảnh: Nguyễn Thị Thanh


Tin nổi bật Tin nổi bật