A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tập trung khắc phục hậu quả mưa, lũ và ứng phó bão số 13

Bình Ðịnh đang triển khai song song 2 nhiệm vụ, vừa khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 12 và mưa, lũ gây ra, vừa sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 13.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng (thứ hai từ trái sang) kiểm tra cầu Suối Mây, ở thị trấn Vân Canh đã bị nước lũ làm đứt gãy. Ảnh: T.SỸ

Một số vùng vẫn ngập, tiếp tục cấm biển

Trước khả năng tỉnh Bình Định bị ảnh hưởng bão số 13, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng chỉ đạo các đơn vị, địa phương tiếp tục cấm biển không cho tàu thuyền ra khơi kể từ 14 giờ chiều 11.11. Sở NN&PTNT kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền trên biển di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm. Các địa phương rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở để di dời dân đến nơi an toàn; vùng ven biển, vùng thường xuyên ngập lũ cũng triển khai phương án sơ tán dân. Thành lập Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và phân công thành viên ứng trực tại 15 hồ chứa nước xung yếu, hạn chế thấp nhất thiệt hại, đảm bảo an toàn cho người dân và cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi.

Cũng trong ngày 11.11, đồng chí Hồ Quốc Dũng đã đi kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả nặng nề do mưa lũ gây ra tại huyện Vân Canh. Theo Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện Vân Canh, ngày 10.11, mưa lớn kết hợp nước từ thượng nguồn đổ về khiến nước trên sông Hà Thanh dâng nhanh, gây ngập nhà nhiều hộ dân tại thị trấn Vân Canh và các xã Canh Thuận, Canh Hiển, Canh Hiệp. Tuyến QL 19C tại thị trấn Vân Canh bị nước lũ tràn, xoáy sâu vào các cống nước tại km 29+500, âm sâu vào lòng đường 3 m, ngành chức năng phải dựng hàng rào ngang qua đoạn đường này. Cầu Suối Mây cũng bị nước lũ làm đứt gãy một nhịp, chia cắt hơn 100 hộ dân với 400 nhân khẩu làng Suối Mây. Trên tuyến từ xã Canh Thuận đi Canh Liên có nhiều điểm sạt lở…

ĐVTN huyện Vân Canh dùng bao cát để làm đường tạm cho người dân đi sau khi cầu Suối Mây bị sự cố. Ảnh: H.PHÚC

Đồng chí Hồ Quốc Dũng yêu cầu huyện Vân Canh lập chốt trên các tuyến đường bị hư hỏng nặng, hướng dẫn và hạn chế người dân qua lại. Sở GTVT phải huy động lực lượng, phương tiện, vật tư, thiết bị nhanh chóng khắc phục điểm sạt lở trên tuyến QL 19C và sửa chữa cầu Suối Mây; giải phóng khối lượng đất đá trên tuyến từ Canh Thuận đi Canh Liên, đảm bảo giao thông đi lại thông suốt.

Trong khi đó, ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 12 và mưa, lũ, đến chiều 11.11, một số địa phương vẫn tiếp tục ngập, nhất là trên 3 tuyến ĐT 636, ĐT 631, ĐT 640. Nhiều khu dân cư của xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước), xã Cát Nhơn và Cát Chánh (huyện Phù Cát) ngập nặng, cô lập. Ông Nguyễn Văn Cư (đội 2, thôn Chánh Định, xã Cát Chánh) cho hay: “Nước lũ tiếp tục dâng 10 - 15 cm, khu vực xóm nhà tôi có hơn 20 hộ dân bị ngập từ 1 - 1,2 m, giao thông chia cắt, chỉ có thể di chuyển bằng sõng”.

Sáng 11.11, các khu dân cư ở phường Nhơn Bình và Nhơn Phú (TP Quy Nhơn) bị ngập sâu trong lũ. Ảnh: NGUYỄN DŨNG

Tại TP Quy Nhơn, nước lũ ngập khiến giao thông trên tuyến đường Hùng Vương qua địa bàn các phường Nhơn Bình, Nhơn Phú gặp nhiều khó khăn. Phòng CSGT, CA tỉnh cử lực lượng đến các điểm ngập lụt để hướng dẫn người dân đi lại an toàn. Chủ tịch UBND thành phố Ngô Hoàng Nam cho hay, khu vực ngập nặng nhất là phường Nhơn Phú, đặc biệt là tại các KV3, KV 5; chính quyền hỗ trợ, tiếp tế đồ ăn nhanh và nước uống cho người dân.

Tại huyện Tuy Phước, đến sáng 11.11, lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước và UBND thị trấn Diêu Trì tiến hành kiểm tra thực trạng đê bao Luật Lễ qua khu phố Diêu Trì bị xói lở, khoét hàm ếch do mưa lũ gây ra vào tối 10.11 để tìm phương án khắc phục. Ông Phan Văn Khiêm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước, xác nhận: “Nước lũ trên sông Hà Thanh dâng nhanh, chảy xiết đã gây xói lở 18 m đê sông đoạn qua vị trí kể trên. Huyện đã chỉ đạo UBND thị trấn Diêu Trì khẩn cấp huy động lực lượng bộ đội, CA, dân quân tự vệ, nhân dân ở địa phương khẩn cấp gia cố tạm bằng bao cát để ngăn chặn nước lũ gây xói lở tràn vào ruộng, khu dân cư. Đến 1 giờ 30 phút sáng 11.11, đoạn đê cơ bản được gia cố kịp thời”.

ĐVTN TP Quy Nhơn dọn vệ sinh tại Trường Tiểu học Nhơn Phú cơ sở 3 (TP Quy Nhơn). Ảnh: H.PHÚC

Giúp dân chạy lũ, ổn định đời sống

Đêm 10.11, lũ bất ngờ đổ về, nhiều hộ dân ở các phường Nhơn Bình, Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Nhơn Phú (TP Quy Nhơn) bị ngập lụt sâu trên 1 m, đe dọa đến an toàn tính mạng, sức khỏe người dân. Trước tình hình trên, ngay trong đêm ngày 10 rạng sáng 11.11, LLVT tỉnh đã điều động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, lực lượng dân quân cơ động ở các địa phương và phương tiện tàu, xuồng nhanh chóng tổ chức di dời người dân bị mắc kẹt, ngập sâu trong lũ. Đến gần 2 giờ sáng 11.11, 51 hộ dân với 147 nhân khẩu đã được đưa về nơi trú tránh an toàn.

Theo bà Nguyễn Thị Mộng Loan, Chủ tịch UBND phường Nhơn Phú, có hàng trăm nhà dân bị ngập sâu từ 1 m trở lên, nặng nhất là KV 2, KV 3. Lũ lên nhanh và bất ngờ nhưng không có thiệt hại về người. Hiện tại, UBND phường tiếp tục chuẩn bị lương thực, nước uống và nhu yếu phẩm để tổ chức cứu trợ; đồng thời tuyên truyền vận động nhân dân chủ động ứng phó với mưa lũ, vì khả năng bão số 13 đổ bộ gây mưa và lũ lớn trong những ngày tới.

Bộ CHQS tỉnh đã đi kiểm tra các khu vực sạt lở tại các huyện Vĩnh Thạnh, An Lão, Hoài Ân. Đại tá Trần Thanh Hải, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, cho biết: “Bộ CHQS tỉnh yêu cầu LLVT các huyện có nguy cơ sạt lở chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương để lên phương án di dời người dân đến nơi an toàn, đồng thời tổ chức lực lượng phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể khẩn trương khắc phục các điểm sạt lở, không để bị chia cắt, cô lập; chuẩn bị thực phẩm, thuốc men đầy đủ sẵn sàng hỗ trợ, giúp nhân dân không để bà con nhân dân bị đói rét, dịch bệnh”.

Trong khi đó, CA tỉnh cũng bố trí hơn 200 cán bộ, chiến sĩ các lực lượng CSGT, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát PCCC&CNCH cùng CA các phường, xã cứu dân vùng ngập lũ, chia cắt; đồng thời bố trí hơn 300 cán bộ, chiến sĩ ứng trực tại các điểm nguy hiểm. Đại tá Nguyễn Đức Nam, Phó Giám đốc CA tỉnh, thông tin: Diễn biến phức tạp của mưa lũ, nguy cơ ngập lụt trên diện rộng, lãnh đạo CA tỉnh đã chỉ đạo CA các đơn vị, địa phương chủ động triển khai lực lượng ứng phó, sơ tán dân khi gặp tình huống xấu; triển khai “4 tại chỗ” kịp thời hỗ trợ, cứu giúp, sơ tán người dân ở các vùng ngập lụt, vùng trũng thấp, nguy cơ sạt lở.

Chiều 11.11, nước trên sông Gò Bồi dâng cao khiến nhiều khu dân cư tại xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước) bị ngập sâu. Ảnh: N.NHUẬN

An toàn cho học sinh, bệnh nhân

Giám đốc Sở GD&ĐT Đào Đức Tuấn đã có văn bản chỉ đạo phòng GD&ĐT huyện, thị xã, thành phố; hiệu trưởng các trường mầm non, phổ thông; giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh về việc cho học sinh đi học lại vào ngày 12.11. Trường hợp chưa thể tổ chức dạy học vào sáng 12.11 thì hiệu trưởng nhà trường phải báo cáo ngay cho phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT.

Chiều 11.11, ông Trần Ngọc Hiền, Chủ tịch UBND phường Nhơn Bình (TP Quy Nhơn), cho biết phường đã đề nghị Phòng GD&ĐT TP Quy Nhơn cho các trường trên địa bàn tiếp tục nghỉ học ngày 12.11 để đảm bảo an toàn. Còn ông Nguyễn Tấn Hưng, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Phù Cát, thông tin: Học sinh 2 trường THCS ở Cát Nhơn, Cát Chánh và các điểm trường tiểu học ở xã Cát Chánh, Cát Tiến vẫn chưa thể đi học theo lịch chung toàn tỉnh. Chúng tôi vẫn tiếp tục theo dõi tình hình, nếu nước rút sẽ dọn dẹp, đón học sinh vào ngày 13.11. Ông Nguyễn Đình Thuận, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, cũng đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT theo dõi tình hình, những trường trong vùng an toàn thì cho học sinh đi học trở lại, những nơi chưa đảm bảo tiếp tục cho học sinh nghỉ học.

Bệnh viện Tâm thần dọn vệ sinh, bùn ngập toàn bộ khu tầng 1 gồm khoa Khám bệnh, khu cận lâm sàng, và 2 khoa điều trị. Ảnh: T.HIỀN

Trong khi đó, ảnh hưởng nặng nề nhất của ngành Y tế là Bệnh viện Tâm thần và Bệnh viện Lao - Bệnh phổi (TP Quy Nhơn) bị ngập lũ đêm 10.11, phải di dời hơn 220 bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, thuốc men, trang thiết bị y tế. Đến chiều 11.11, hai bệnh viện đã dọn vệ sinh môi trường để phục vụ cho hoạt động khám chữa bệnh. Bác sĩ Đỗ Phúc Thanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Lao - Bệnh phổi, cho hay: “Không có thiệt hại về thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh; toàn bộ bệnh nhân đều đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, do ngập nặng nên khám bệnh ngoại trú, chúng tôi cố gắng đến ngày 12.11 hoạt động trở lại”.

Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng nhấn mạnh: “Ngoài Bệnh viện Tâm thần và Bệnh viện Lao - Bệnh phổi bị ngập nặng, kiểm tra tình hình ở các địa phương chưa có thiệt hại lớn. Theo phương châm 4 tại chỗ, các đơn vị y tế phối hợp địa phương xử lý nước uống, vệ sinh môi trường, tránh phát sinh dịch bệnh sau bão, mưa, lũ. Đặc biệt, với tình hình bão, mưa lũ dự báo còn nhiều phức tạp, yêu cầu tất cả các đơn vị trực thuộc không được chủ quan, lơ là; thường xuyên cập nhật thông tin để chủ động ứng phó”.

Theo T.SỸ - N.NHUẬN - T.LỢI - T.HIỀN - T.KHUY - M.DŨNG - T.PHÚC - K.ANH  - V.LƯU (baobinhdinh.com.vn)


Tin nổi bật Tin nổi bật