Tập trung mọi giải pháp khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, sớm ổn định đời sống nhân dân
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng (đứng) phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đã nêu rõ những mặt còn hạn chế, khó khăn trong công tác phòng chống thiên tai, ứng phó với mưa lũ trong thời gian qua. Theo Chủ tịch, một số địa phương vẫn còn thụ động trong công tác ứng phó và khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, nhất là việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ”. Theo nguyên tắc phòng chống lụt, bão, các địa phương cần chuẩn bị, dự trữ lương thực, thực phẩm hỗ trợ cho người dân khi có tình huống khẩn cấp xảy ra nhưng thực tế nhiều chính quyền địa phương thiếu sâu sát, còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của cấp trên.
Một hạn chế khác là công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân trong việc phòng tránh, ứng phó mưa lũ còn nhiều bất cập; lực lượng thanh, thiếu niên hỗ trợ người dân còn mỏng; nhiều địa phương còn lúng túng trong việc hướng dẫn, yêu cầu sơ tán, di dời dân ngập lụt; những chỉ đạo của cấp trên chưa được thực hiện triệt để và nghiêm túc…
Trước những thiệt hại nặng nề do mưa lũ gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng yêu cầu, các sở, ban, ngành địa phương cần quyết liệt, tập trung mọi giải pháp để khắc phục nhanh hậu quả sau lũ và phải coi đây là nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay.
Trước mắt, các địa phương cần sử dụng các nguồn lực tại chỗ, kinh phí thường xuyên, ngân sách dự phòng, nguồn cấp bù thủy lợi phí để triển khai ngay hoạt động cung cấp nước sạch, lương khô, lương thực, nhu yếu phẩm, chăm sóc y tế cho nhân dân vùng ngập lũ bị cô lập dài ngày; phải tập trung cứu dân, không để dân bị đói, khát, dịch bệnh.
Các sở,ban, ngành và địa phương triển khai mọi phương án, ngay sau khi lũ rút huy động lực lượng vũ trang, thanh niên và các lực lượng khác hỗ trợ nhân dân dọn vệ sinh môi trường, dựng lại nhà cửa không để người dân lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất”.
Đặc biệt, cần tập trung phục hồi cơ sở hạ tầng, bảo đảm giao thông đi lại bình thường, phục hồi sản xuất, chuẩn bị tốt các điều kiện cho vụ đông xuân mới để đảm bảo cuộc sống bình yên cho người dân. Chủ tịch giao nhiệm vụ, Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban quản lý các dự án Đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT, Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định khắc phục các công trình giao thông, thủy lợi do tỉnh quản lý; đối với những công trình do địa phương quản lý thì địa phương phải khắc phục khẩn cấp các hậu quả do mưa lũ, không trông chờ, ỷ lại tỉnh.
Chủ tịch cũng đề nghị các địa phương kịp thời tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình bị thiệt hại, nhất là các hộ bị thiệt hại về người, mất nhà cửa, hộ nghèo, gia đình chính sách. Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã quyết định nâng mức hỗ trợ lên 10 triệu đồng đối với hộ có người thân bị chết; hộ có nhà sập hoàn toàn được hỗ trợ 50 triệu đồng/hộ. Đối với ngư dân có tàu bị chìm, mưa lũ cuốn trôi, Sở NN&PTNT đề xuất tăng mức hỗ trợ để UBND tỉnh xem xét.
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng cũng đã kêu gọi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ về vật chất, tinh thần để giúp người dân vùng lũ tỉnh Bình Định giảm bớt những khó khăn, mất mát, sớm ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất.
Theo báo cáo của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, đến nay, đã có 36 người chết, 10 người bị thương, 348 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 398 nhà tốc mái, trên 70.852 lượt nhà ngập nước; 128,5 km đường giao thông bị hư hỏng, 310 điểm sạt lở nặng, 96 cống tiêu và 27 cầu bị sập hoàn toàn; 86,6 km đê, kè bị sạt lở nặng, 247 km kênh mương bị sạt lở, bồi lấp, 36 đập dâng nhỏ bị hư hỏng, 31 km bờ sông bị sạt lở.
Về sản xuất có, 2.253 ha lúa vụ Mùa bị ngập ngã, 13.625 ha lúa Đông Xuân mới gieo sạ và 3.526 ha hoa màu bị ngập, hỏng, 3.180 con gia súc, 195.540 con gia cầm bị cuốn trôi, 236 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập nước, 5 tàu cá bị chìm…Theo thống kê, tổng thiệt hại ước tính trên 1.230 tỉ đồng.
Tại hội nghị, đại diện các sở, ban, ngành, địa phương đã báo cáo tình hình thiệt hại do mưa, lũ gây ra, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm trong công tác phòng, chống thiên tai để chủ động hơn việc ứng phó mưa, lũ trong thời gian tới./.
Tin, ảnh: Nguyễn Thị Thanh