|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thêm một di tích Chăm trên đất Bình Định

Từ năm 1987 trở về trước, trong danh mục thống kê di tích Chăm trên đất Bình Ðịnh, cái tên Gò Tháp Lai Nghi chưa từng được nhắc đến. Ðây là di tích mới được phát hiện và Bảo tàng Tổng hợp tỉnh là đơn vị đưa nhát cuốc đầu tiên vào lòng đất, bắt đầu nghiên cứu tổng thể khu tháp.

Hiện vật gốm đất nung thu được từ cuộc khai quật.


Được sự cho phép của Bộ VH-TT&DL, tháng 9 vừa qua, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh tiến hành khai quật khu phế tích Gò Tháp Lai Nghi. Địa điểm khai quật thuộc thổ cư nhà ông Nguyễn Văn Ngọc - ở xóm Bắc, thôn 1, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn. Là một phế tích kiến trúc tôn giáo của người Chăm trong lịch sử, được xác định có niên đại thế kỷ XII-XIII, khu Gò Tháp Lai Nghi gồm quần thể 3 tháp nằm theo trục dọc Đông - Tây, mỗi tháp cách nhau khoảng 20m.

Thu được nhiều hiện vật có giá trị

Sau hơn một tháng kiên nhẫn và tỉ mỉ kiếm tìm, 20 nhân công và lãnh đạo, cán bộ nghiên cứu Bảo tàng Tổng hợp Bình Định đã thu được 619 hiện vật. Hiện vật thu được có nhiều chất liệu, nhiều nhất là gốm đất nung (383 hiện vật gồm phù điêu voi, Makara, Kala, hoa văn trang trí…), tiếp đến là gạch đất nung (210 viên), đá ong, ngói móc, gốm gia dụng.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, các phù điêu được chế tác hoàn toàn thủ công, bằng những công cụ đơn giản, ngoài ra còn có công đoạn dùng tay miết láng làm nhẵn bề mặt (dấu vết các ngón tay để lại trên hiện vật khẳng định điều đó). Khi tạo tác hoàn chỉnh, sản phẩm được đưa vào lò nung quy chuẩn với nhiệt độ cao. Riêng các phù điêu, tượng voi được thể hiện khá hoàn chỉnh từ tỉ lệ đến tư thế, khuôn mặt sống động, đường nét hiền hòa… Qua những tác phẩm điêu khắc này có thể đoán định đây là thời kỳ phát triển hưng thịnh của vương quốc Chăm.

Kết quả này là thắng lợi của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh nói riêng và công tác nghiên cứu khảo cổ Bình Định nói chung. Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Đinh Bá Hòa bày tỏ: “Kinh phí đợt khai quật chưa đầy 200 triệu đồng - mức thấp kỷ lục cho công tác khai quật khảo cổ trong tỉnh lẫn cả nước. Giá ngày công không cao so với mặt bằng chung, khối lượng công việc nhiều, chúng tôi không tìm được nhân công ở địa phương mà phải “năn nỉ” những người từng cộng tác với Bảo tàng ở các đợt khai quật trước. Vượt qua những khó khăn, trở ngại đó, chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi về kết quả khai quật”.

Tiến sĩ Đinh Bá Hòa cũng cho biết, trong hệ thống di tích Chăm trên đất Bình Định, di tích trên địa bàn huyện Tây Sơn có vị trí rất quan trọng. Trong 14 kiến trúc tháp Chăm hiện còn, Tây Sơn có hai cụm tháp rất có giá trị là Dương Long và Thủ Thiện. Tuy nhiên, số phế tích tại Tây Sơn chưa được thống kê, nghiên cứu đầy đủ, Gò Tháp Lai Nghi là một trong số đó. Vậy nên, đợt khai quật này không chỉ phục vụ mục đích nghiên cứu mà còn bổ sung thêm một dấu tích khảo cổ quan trọng vào danh mục di tích tháp Chăm trên đất Bình Định.

Đặt ra vấn đề bảo tồn

Tại buổi báo cáo kết quả khai quật (do Bảo tàng Tổng hợp tỉnh tổ chức vào chiều 10.10), vấn đề bảo tồn khu Gò Tháp Lai Nghi được nhiều đại biểu quan tâm. Cả 3 khu gò này đều thuộc quyền sở hữu của người dân, vì thế vấn đề quản lý, bảo tồn gặp nhiều khó khăn, trong đó khu nằm trên đất của ông Nguyễn Văn Ngọc có quy mô lớn nhất, được chọn để khai quật. Quá trình sinh sống hơn 50 năm, gia đình đã lấy đi nhiều gạch và đá ong để lát sân, làm móng các công trình phụ. Ông Ngọc cho biết, trong quá trình khai thác gạch, đá ong, gia đình thấy có nhiều đồ có hình mỏ chim, nhưng không biết nên đã lấp và bỏ đi.

Ngoài ra, trong hai năm 2011, 2012, những người mua bán cổ vật đã đến xin đào khu vườn này, do không hiểu về quy định của pháp luật trong bảo vệ di sản văn hóa nên gia đình đồng ý cho khai thác lấy đi một số cổ vật. Hành vi này sau đó đã bị Bảo tàng Tổng hợp tỉnh và Phòng VH-TT huyện Tây Sơn ngăn chặn. Nhìn chung, phần lớn khu di tích đã ở trong tình trạng bị người dân xâm hại một cách vô thức, góc phía Tây và Tây Bắc của khu gò cũng đã bị đào còn lớp móng đá ong cuối cùng.

Trước thực trạng đó, ông Lê Văn Hùng, Trưởng Phòng VH-TT huyện Tây Sơn cho biết sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân địa phương nêu cao nhận thức bảo vệ khu di tích này; đồng thời kiến nghị ngành văn hóa nhanh chóng cho khoanh vùng bảo vệ để có cơ sở nghiêm cấm các hành vi làm thất thoát hiện vật trong lòng khu Gò Tháp. Tiến sĩ Đinh Bá Hòa cũng cho rằng, trước mắt nên cho san lấp 3 hố đào khai quật bằng cát để bảo vệ di tích, sau này có tiếp tục khai quật, nghiên cứu thì khối lượng công việc đỡ nặng nề. Mặt khác, trong bản đồ khảo cổ Bình Định mà Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đang xây dựng, sẽ có tên khu di tích Chăm mới được phát hiện này.

 

Theo baobinhdinh.com.vn


Tin nổi bật Tin nổi bật