Tổng kết 08 năm thi hành Nghị định số 111/2013/NĐ-CP và Nghị định số 56/2016/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh
Hằng năm, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành Kế hoạch thực hiện công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính (VPHC) trên địa bàn tỉnh, yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các cấp thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý VPHC. Trên cơ sở kế hoạch của tỉnh, các đơn vị, địa phương đã xây dựng kế hoạch quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC phù hợp với tình hình thực tế của từng đơn vị, địa phương. Ngoài ra, UBND tỉnh còn chỉ đạo các ngành, UBND các cấp tổ chức theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn việc kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, thị trấn tại địa phương đảm bảo đúng trình tự, thủ tục và quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính của Tòa án nhân dân.
Theo tổng hợp, từ năm 2013 đến năm 2020, cơ quan chức năng đã thi hành các quyết định áp dụng biện pháp xử lý VPHC giáo dục tại xã, thị trấn đối với 258 đối tượng. Hầu hết các đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đều chấp hành tốt việc giáo dục tại địa phương; không có trường hợp nào khiếu nại, khởi kiện đối với việc lập hồ sơ đề nghị và ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Việc tổ chức thực hiện Nghị định số 111/2013/NĐ-CP và Nghị định số 56/2016/NĐCP đã góp phần nâng cao nhận thức pháp luật của Nhân dân; bảo đảm trật tự, kỷ cương trong quản lý xã hội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong triển khai áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn cũng còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc đó chủ yếu là do một số xã, thị trấn chưa huy động được sự tham gia phối hợp của các ngành, đoàn thể có liên quan trong công tác lập hồ sơ áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, thị trấn dẫn đến việc ỷ lại, xem công tác lập hồ sơ, áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, thị trấn là nhiệm vụ của lực lượng Công an. Bên cạnh đó, kinh phí để thực hiện biện pháp giáo dục tại xã, thị trấn của các địa phương gặp khó khăn, chưa đảm bảo nguồn chi nên chưa hỗ trợ được những người tham gia cảm hóa, giúp đỡ đối tượng vi phạm. Hệ thống pháp luật về xử lý VPHC còn nhiều bất cập, chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và khả thi khi áp dụng thực hiện. Trong khi đó, hiện nay, đội ngũ cán bộ làm công tác xử lý VPHC phần lớn đều là kiêm nhiệm, chưa bố trí được cán bộ chuyên trách thực hiện nhiệm vụ này nên chưa đáp ứng được yêu cầu công việc đề ra. Nhất là tại cấp xã, công chức Tư pháp - Hộ tịch do khối lượng công việc hành chính tư pháp rất lớn nên việc phối hợp, tham mưu Chủ tịch UBND cấp xã kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn còn gặp nhiều khó khăn. Việc phổ biến, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ xử lý VPHC cho cán bộ, công chức trực tiếp thực thi công vụ chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, hiệu quả công tác chưa cao.
Xuất phát từ thực trạng trên, tỉnh Bình Định đã kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương hoàn chỉnh các loại hồ sơ, biểu mẫu trong việc lập hồ sơ áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đảm bảo đầy đủ, chặt chẽ, thống nhất và phù hợp với thực tiễn thi hành pháp luật tại địa phương. Đồng thời, sửa đổi, hoàn thiện các quy định về thời gian áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; số lần vi phạm; việc thông báo cho đối tượng trong quá trình lập hồ sơ; quy định về giao người giúp đỡ các đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn,… cho phù hợp với thực tế, đảm bảo tính khả thi khi áp dụng thực hiện. Cùng với đó, bổ sung chế tài xử lý đối với các trường hợp đối tượng vi phạm cố tình trốn tránh, không chịu hợp tác với cơ quan chức năng khi triệu tập và thực hiện các biện pháp giáo dục bắt buộc. Rút ngắn, đơn giản quy trình, thủ tục, biểu mẫu lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trách nhiệm, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác lập hồ sơ áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, thị trấn và đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, thị trấn. Ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể việc lập dự toán, sử dụng kinh phí đối với công tác lập hồ sơ áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, thị trấn. Tổ chức tập huấn, cấp chứng chỉ cho người có thẩm quyền xác định tình trạng nghiện ma túy tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn.
Kim Loan