Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 01 năm Cổng Dịch vụ công quốc gia
Tại điểm cầu Bình Định, Hội nghị do đồng chí Lê Ngọc An, Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh, Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì với sự tham dự của đại diện Lãnh đạo các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Bình Định
Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp đăng nhập một lần với tất cả các bộ, cơ quan ngang bộ (trừ Thanh tra Chính phủ, Ủy ban dân tộc có đặc thủ riêng về cung cấp dịch vụ công), Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và 63/63 địa phương cấp tỉnh với 2.700 dịch vụ công trực tuyến, đạt 39% tổng số thủ tục hành chính của cả nước, vượt 9% so với chỉ tiêu Chính phủ giao. Đến nay đã có hơn 99 triệu lượt truy cập; hơn 412.000 tài khoản đăng ký; hơn 27,2 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 719.000 hồ sơ thực hiện trực tuyến và hơn 46.000 giao dịch thanh toán điện tử; tiếp nhận, hỗ trợ trên 43.800 cuộc gọi phản ánh, kiến nghị. Chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia là hơn 6.700 tỷ đồng/năm.
Hội nghị cũng chứng kiến việc công bố và một số trải nghiệm thực tế đối với Dịch vụ công số 2.697 là dịch vụ thanh toán nghĩa vụ tài chính về đất đai cho hộ gia đình, cá nhân, Dịch vụ công số 2.698 là dịch vụ cung cấp thông tin quy hoạch xây dựng, Dịch vụ công số 2.699 là cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ và Dịch vụ công số 2.700 là kê khai, nộp lệ phí trước bạ và cấp đăng ký, biển số xe nhập khẩu. Thực hiện việc ký cam kết đồng hành xây dựng, phát triển Cổng Dịch vụ công quốc gia (trong đó có cam kết giảm, miễn phí các giao dịch thanh toán).
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của Văn phòng Chính phủ đã xây dựng, vận hành và phát huy hiệu quả của Cổng Dịch vụ công quốc gia trong một thời gian rất ngắn. Đồng thời, biểu dương sự đóng góp tích cực của 12 cơ quan Trung ương và 13 địa phương cấp tỉnh (trong đó có tỉnh Bình Định) đối với việc triển khai Cổng Dịch vụ công quốc gia. Phó Thủ tướng Chính phủ nêu lý do Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng và vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia cho Văn phòng Chỉnh phủ là do bởi: “Nhiệm vụ hiện đại hóa nền hành chính, cải cách thủ tục hành chính cần phải thay đổi tư duy, cách làm, thông qua sự cọ sát khó khăn, nên muốn đột phá thì phải giao cho cơ quan gần Thủ tướng Chính phủ nhất thực hiện nhằm tạo sự lan tỏa rộng rãi từ trên xuống, với mục tiêu vừa tiết kiệm, thời gian chi phí cho người dân, doanh nghiệp vừa công khai, minh bạch toàn bộ hoạt động của Chính phủ trước Nhân dân, tiếp thu ý kiến của Nhân dân để xây dựng một Chính phủ phục vụ”. Phó Thủ tướng khẳng định với việc vận hành rất tốt Cổng Dịch vụ công quốc gia nói riêng và cung cấp dịch vụ công hiệu quả trên toàn quốc nói chung đã giúp cho các chỉ số về Năng lực cạnh tranh quốc gia, Chính phủ điện tử của Việt Nam tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Để thực hiện hiệu quả việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong thời gian tiếp theo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần quyết tâm mạnh mẽ hơn nữa, nhất là thay đổi tư duy, nhận thức, tin học hóa toàn bộ quy trình xử lý công việc bằng máy tính thông qua môi trường điện tử; hình thành thói quen xây dựng và chia sẽ các hệ thống cơ sở dữ liệu nhưng phải đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn, an ninh thông tin và quyền riêng tư của người dân. Văn phòng Chính phủ phải kịp thời, thẳng thắn trong việc biểu dương và phê bình các cơ quan, đơn vị, địa phương với phương châm lấy hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến làm thước đo đánh giá thực chất sự phục vụ người dân, doanh nghiệp của từng cơ quan, đơn vị.
Phát biểu đáp từ chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ xin tiếp thu đầy đủ các ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng để tổ chức triển khai thực hiện trong thời gian tới, với tinh thần số hóa thủ tục hành chính, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tạo cơ sở hình thành công chức, doanh nghiệp, công dân điện tử là một trong những nội dung quan trọng có tính chất quyết định đối với sự thành công của chuyển đổi số quốc gia. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khẳng định cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 phải lấy hồ sơ giao dịch thực tế làm gốc thay vì số lượng dịch vụ công trực tuyến được cung cấp. Theo đó, các dịch vụ công phải đảm bảo tính thiết yếu cho người dân, doanh nghiệp với việc thường xuyên phát sinh giao dịch hồ sơ.
Là một trong những địa phương được Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam biểu dương tại Hội nghị, Bình Định đã thực hiện tốt việc tích hợp, đồng bộ trạng thái hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Chính thức kết nối thành Cổng Dịch vụ công quốc gia từ ngày 5/12/2019, đến nay tỉnh đã tích hợp 183 dịch vụ công trong tổng số danh mục 272 dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 của tỉnh trên đến nay, đạt tỷ lệ 67%, vượt 37% so với chỉ tiêu Chính phủ giao. Trong năm 2020, các cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh đã tiếp nhận, giải quyết 3.562 hồ sơ nộp trực tuyến từ Cổng Dịch vụ công quốc gia và 28.124 hồ sơ nộp trực tuyến từ Cổng Dịch vụ công của tỉnh./.
Lê Dũng Linh