Đề xuất nhiều biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn
Ảnh minh họa
Theo dự thảo, đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn bao gồm: Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự;người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi khi đã ít nhất 2lần bị xử phạt vi phạm hành chính trong 6 tháng về hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên có nơi cư trú ổn định; người từ đủ 18 tuổi trở lên khi đã ít nhất 2 lần bị xử phạt vi phạm hành chính trong 6 tháng về hành vi xâm phạm tài sản của cơ quan, tổ chức; tài sản, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của người khác; vi phạm trật tự, an toàn xã hội nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Những đối tượng trên sẽ được phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền, nghĩa vụ của công dân, các quy định của pháp luật liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật của họ.
Đồng thời, được giáo dục về kỹ năng sống, hướng nghiệp, dạy nghề; giáo dục về truyền thống tốt đẹp của đất nước, quê hương; của gia đình và dòng họ.
Bên cạnh đó, người nghiện ma túy sẽ được phổ biến pháp luật về phòng, chống ma túy; về tác hại của việc tiêm chích, sử dụng ma túy đối với sức khỏe, gia đình và cộng đồng, cách phòng tránh việc sử dụng ma túy, phòng tránh HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua việc tiêm chích ma túy; về chương trình cai nghiện bắt buộc và cai nghiện bằng thuốc thay thế.
Thời gian áp dụng các biện pháp trên khoảng từ 3 – 6 tháng.
Nhiều hình thức giáo dục
Theo dự thảo, việc giáo dục tại xã, phường, thị trấn có thể được thực hiện bằng hình thức gặp gỡ trực tiếp gia đình và người được giáo dục và các tổ chức liên quan để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, tâm tư nguyện vọng của người được giáo dục; trao đổi, giới thiệu các quy định của pháp luật, sự cần thiết phải tuân thủ pháp luật và các quy tắc của cuộc sống chung tại cộng đồng; về truyền thống của đất nước, quê hương.
Bên cạnh đó, có thể giới thiệu người được giáo dục tham gia các lớp học về kỹ năng sống, các lớp hướng nghiệp, dạy nghề, tìm việc làm; thông báo bằng văn bản về gia đình, người được giáo dục về các biện pháp giáo dục, quản lý; tổ chức cuộc họp góp ý tại địa bàn dân cư ở cơ sở.
Ngoài ra, dự thảo cũng đưa ra các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên là nhắc nhở và quản lý tại gia đình với những điều kiện và thủ tục áp dụng cụ thể.
Theo chinhphu.vn