Hướng dẫn xếp lương cho lao động tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp, sơ cấp nghề
Theo đó, người tốt nghiệp cao đẳng nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề làm việc tại công ty TNHH (trừ công ty TNHH 1 thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu), công ty cổ phần, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình... thì được xếp lương theo thang lương, bảng lương do doanh nghiệp tự xây dựng, quyết định theo quy định pháp luật. Mức lương cụ thể do người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận nhưng phải bảo đảm nguyên tắc không có sự phân biệt giữa người tốt nghiệp cao đẳng nghề, trung cấp nghề thuộc hệ thống đào tạo nghề với người tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống đào tạo trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng theo Luật Giáo dục năm 2005.
Xếp lương đối với lao động làm việc tại công ty TNHH 1 thành viên
Thông tư nêu rõ, người tốt nghiệp cao đẳng nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề làm việc tại Công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và các tổ chức, đơn vị đang áp dụng hệ thống thang lương, bảng lương trong các công ty nhà nước ban hành kèm theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ được xếp lương như sau:
Người tốt nghiệp cao đẳng nghề làm công việc của chức danh cán sự, kỹ thuật viên thì xếp vào bậc 2 của chức danh cán sự, kỹ thuật viên theo bảng lương viên chức chuyên môn, nghiệp vụ.
Nếu làm công việc của chức danh nhân viên văn thư thì xếp vào bậc 2 của chức danh nhân viên văn thư; làm công việc của chức danh nhân viên phục vụ thì xếp vào bậc 3 của chức danh nhân viên phục vụ theo bảng lương nhân viên thừa hành, phục vụ....
Cán sự tốt nghiệp trung cấp nghề được xếp bậc 1 bảng lương viên chức
Theo quy định tại Thông tư, đối tượng lao động nói trên tốt nghiệp trung cấp nghề làm công việc của chức danh cán sự, kỹ thuật viên thì xếp vào bậc 1 của chức danh cán sự, kỹ thuật viên theo bảng lương viên chức chuyên môn, nghiệp vụ.
Nếu lao động tốt nghiệp trung cấp nghề làm công việc của công nhân, nhân viên trực tiếp sản xuất, kinh doanh theo các ngành, nhóm ngành của các thang lương 7 bậc hoặc thang lương 6 bậc thì xếp vào bậc 2 của ngành, nhóm ngành thuộc thang lương tương ứng.
Tương tự, làm công việc của công nhân, nhân viên trực tiếp sản xuất, kinh doanh theo các chức danh của bảng lương công nhân, nhân viên trực tiếp sản xuất kinh doanh thì xếp vào bậc 1 của chức danh thuộc bảng lương tương ứng.
Đối với người tốt nghiệp sơ cấp nghề làm việc tại các doanh nghiệp nói trên, Thông tư quy định xếp vào bậc 1 của các chức danh thuộc các bảng lương tương ứng.