A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Năm 2019, Việt Nam phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt 11 tỷ USD

(binhdinh.gov.vn)-Đó là yêu cầu mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra tại Chỉ thị 08/CT-TTg ngày 28/3/2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu (ảnh).

Gỗ và lâm sản ngoài gỗ là ngành hàng xuất khẩu quan trọng thứ 6 của Việt Nam và liên tục có tốc độ tăng trưởng cao,bình quân đạt trên 13%/năm. Mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận nhưng ngành công nghiệp chế biến gỗ và sản phẩm ngoài gỗ đang đối mặt với không ít khó khăn. Để khắc phục những tồn tại khó khăn, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp phải phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản bền vững, hiệu quả, hiện đại trên cơ sở hội nhập sâu vào thị trường khu vực toàn cầu; sử dụng nguyên liệu gỗ hợp pháp; ứng dụng công nghệ tiên tiến và thiết bị hiện đại, đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường trong sản xuất. Trong 10 năm tới, ngành công nghiệp chế biến gỗ lâm sản ngoài gỗ trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu và lâm sản ngoài gỗ năm 2019 đạt 11 tỷ USD; năm 2020 đạt 12 đến 13 tỷ USD; năm 2025 đạt 18 đến 20 tỷ USD.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đề nghị cần triển khai thực hiện nghiêm túc Luật Lâm nghiệp đã được Quốc hội thông qua năm 2017; tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ vốn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp về quỹ đất, mặt bằng đầu tư nhà máy, cơ sở sản xuất chế biến gỗ; tăng cường đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ xuất khẩu; đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn; phát triển và nhân rộng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị giữa người trổng rừng và doanh nghiệp chế biến; đẩy mạnh phát triển thị trường, xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm gỗ; thực hiện tuyên truyền, vận động người dân và doanh nghiệp thay đổi nhận thức về sử dụng gỗ hợp pháp và tập quán sử dụng gỗ rừng tự nhiên sang sử dụng gỗ từ rừng trồng; các doanh nghiệp chế biến gỗ chủ động hội nhập, thực hiện đầy đủ cam kết quốc tế, tuân thủ luật pháp quốc tế;…

Cũng tại Chỉ thị này, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức tuyên truyền đối với người dân, doanh nghiệp hạn chế khai thác rừng non, thực hiện kinh doanh gỗ lớn để bảo vệ môi trường sinh thái; ưu tiên bố trí ngân sách cho các hoạt động hỗ trợ trồng rừng sản xuất theo Quyết định 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/9/2016  và Nghị định 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ; triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, khuyến khích đầu tư để phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp gỗ và lâm sản ngoài gỗ;…đồng thời tạo điều kiện cho các hiệp hội chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ tổ chức hội chợ triển lãm, giới thiệu sản phẩm và xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi theo các quy định hiện hành của pháp luật.

THÙY TRANG


Tin nổi bật Tin nổi bật