|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bảo tồn lễ hội cầu ngư ra đời từ hơn 200 năm trước ở Bình Định

Lễ hội cầu ngư Vạn đầm Xương Lý còn có tên gọi khác là lễ hội Khai sơn Cầu ngư Xương Lý ra đời từ hơn 200 năm trước, là một trong các lễ hội truyền thống lâu đời, gắn kết với đời sống ngư dân miền biển ở Bình Định.

Ngày 20/5, Sở VH-TT&DL tỉnh Bình Định cho biết Bộ VH-TT&DL đã có quyết định phê duyệt Dự án Bảo tồn và phát huy giá trị Lễ hội Cầu ngư Vạn đầm Xương Lý (xã Nhơn Lý, TP. Quy Nhơn) phục vụ phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới.

 Lễ hội là hồi ức về không gian đánh bắt hải sản trên biển cả, ẩn chứa nét văn hóa tín ngưỡng ngư dân vùng biển. Ảnh: VN.

Các nhiệm vụ được đề ra trong dự án gồm nghiên cứu, và khảo sát về Lễ hội Cầu ngư Vạn đầm Xương Lý, tổ chức lớp tập huấn - truyền dạy cho cộng đồng tri thức, kỹ năng thực hành di sản, tổ chức luyện tập, trình diễn, giới thiệu một phần nghi thức trong lễ hội, hỗ trợ trang bị đồ dùng, công cụ, lễ vật… thực hành lễ hội cho cộng đồng, xây dựng phim, bộ ảnh và tài liệu về việc triển khai dự án tại địa phương, phục vụ công tác bảo tồn và tuyên truyền, giới thiệu lễ hội, xây dựng báo cáo kết quả dự án.

Rước thần Nam Hải nhập điện. Ảnh: VN

Bộ VH-TT&DL giao Cục Di sản văn hóa, chủ trì xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch. Ngoài ra, đề nghị Sở VH-TT&DL tỉnh Bình Định, UBND TP. Quy Nhơn phối hợp thực hiện khảo sát, lựa chọn di sản văn hóa phi vật thể và khảo sát cơ sở vật chất để triển khai hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản, cử thành viên tham gia ban tổ chức triển khai dự án, lập danh sách nghệ nhân, người thực hành di sản tham gia dự án, nghiên cứu đề xuất các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị Lễ hội Cầu ngư Vạn đầm Xương Lý. Dự án thực hiện theo lộ trình trong quý II và III/2025.

Theo Bộ VH-TT&DL, lễ hội Cầu ngư Vạn đầm Xương Lý là di sản văn hóa phi vật thể, gắn liền với đời sống tâm linh và sinh kế của cộng đồng ngư dân ven biển. Giá trị văn hóa - lịch sử của lễ hội thực sự đặc sắc, thể hiện bản sắc của cộng đồng địa phương, góp phần bảo vệ sự đa dạng văn hóa trong tín ngưỡng thờ cúng Cá Ông của cư dân ven biển miền Trung và miền Nam.

Tín ngưỡng thờ cá Ông (Nam Hải Đại Tướng Quân) thể hiện triết lý sống hài hòa với biển cả, đồng thời bộc lộ lòng biết ơn sâu sắc của ngư dân đối với vị thần hộ mệnh của mình. Các nghi thức độc đáo như lễ rước Ông, hát Bả trạo, cúng biển không chỉ là hoạt động tín ngưỡng mà còn phản ánh tinh thần cộng đồng mạnh mẽ.

Đặc biệt, trong bối cảnh Quy Nhơn đang phát triển thành trung tâm du lịch biển miền Trung, lễ hội Cầu ngư Vạn đầm Xương Lý có tiềm năng trở thành điểm nhấn du lịch văn hóa - tâm linh hấp dẫn.


Tác giả: Trương Định
Nguồn:tienphong.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật