|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngăn thói côn đồ trong thanh thiếu niên

Theo cơ quan chức năng, nhóm tội gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng người khác có tính chất ngày càng phức tạp, nhất là đối tượng phạm tội có chiều hướng trẻ hóa. Đáng chú ý, nhiều thanh thiếu niên sẵn sàng “chiến” vì những lý do không đáng.

Gây án vì… thấy “ngứa mắt”

Mới đây, TAND tỉnh xét xử nhóm các bị cáo Nguyễn Ðông Gun (SN 2003) cùng đồng bọn phạm tội “giết người”, nhóm Nguyễn Văn Kiệt (SN 2006, cùng ở huyện Tuy Phước) và đồng bọn phạm tội “gây rối trật tự công cộng” và tội “giữ người trái pháp luật”.

Cụ thể, khoảng 20 giờ 30 phút, ngày 8.1.2023, trong lúc nhóm của Kiệt đang nhậu tại một quán ở khu phố Vân Hội, thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước thì nhóm của Gun đi ngang qua. Thấy trong nhóm của Gun có 1 người nhuộm tóc màu đỏ, nhóm của Kiệt không thích và muốn gây chuyện, bèn lấy cớ mời bia rồi đánh người này. Thấy bạn bị đánh, nhóm của Gun đến ngăn nhưng bị nhóm của Kiệt khống chế, giữ 9 người không cho về.

Gun lén gọi điện thoại cho Trần Văn Sơn (SN 2002, ở tỉnh Thái Bình) nhờ mang theo hung khí đến đánh nhóm của Kiệt và được đồng ý. “Bỗng nhiên bị đánh rồi giữ lại nên bị cáo chỉ muốn nhờ người giải cứu các bạn và đánh trả lại cho thỏa sự bực tức”, Gun thừa nhận.

Trong khi đó, bị cáo Kiệt cũng khẳng định: “Bị cáo không hề có mâu thuẫn hay quen biết gì người nhuộm tóc màu đỏ hay những người khác trong nhóm của Gun. Chỉ đơn giản thấy… ngứa mắt thì gây chuyện thôi!”.

Ở một vụ án khác, bị cáo Đào Võ Việt Pháp (SN 2007, ở huyện Vân Canh) phạm tội “giết người” với tình tiết “có tính chất côn đồ” xuất phát từ việc hiểu nhầm.

Cụ thể, Pháp đang điều khiển xe mô tô đi trên đường thì nghe một người đi xe đạp ngang qua nói gì đó không rõ, nhưng Pháp lại nghĩ người này chửi mình, nên lấy rựa đuổi theo chém liên tiếp 2 phát trúng vùng ngực và đầu, làm nạn nhân chết sau đó. Tại thời điểm gây án, Pháp chỉ mới 16 tuổi, nhưng đã thực hiện hành vi một cách ngông cuồng, tàn ác.

Kiểm sát viên Nguyễn Phương Trà - giữ quyền công tố tại phiên tòa, phân tích: “Các vụ án cố ý gây thương tích, giết người do thanh thiếu niên (TTN) gây ra, chủ đích ban đầu không hẳn là đánh giết nhau, nhưng hậu quả lại dẫn đến chết người. Trên thực tế, đa phần TTN phạm tội do bị xúi giục, lôi kéo, kích động, hành động mà không cần nghĩ tới hậu quả. Có thể nói, tính bạo lực trong xử sự hằng ngày của một bộ phận người dân nói chung và TTN nói riêng ngày càng gia tăng và nghiêm trọng”.

Nhóm các bị cáo Nguyễn Đông Gun và Nguyễn Văn Kiệt khai nhận hành vi phạm tội của mình với hội đồng xét xử. Ảnh: K.A

Ngăn chặn sớm, xử lý nghiêm

Theo phân tích của cơ quan CA, tình hình tội phạm do TTN thực hiện có nhiều diễn biến phức tạp. Cụ thể, từ đầu năm đến nay có 1.120 bị can bị khởi tố khi đang ở độ tuổi chỉ từ 14 đến dưới 18 tuổi. Các bị can phạm các tội như cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, bắt, giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản và kể cả giết người, với mức độ ngày càng manh động, liều lĩnh.

Đại tá Huỳnh Bảo Nguyên, Phó Giám đốc CA tỉnh cho biết, lãnh đạo CA tỉnh đã, đang chỉ đạo CA các đơn vị, địa phương tổ chức tuyên truyền dưới nhiều hình thức, gọi hỏi răn đe số đối tượng nổi, TTN chậm tiến; chủ động phối hợp với các cấp, ngành và chính quyền địa phương tổ chức xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình về quản lý giáo dục TTN tại cộng đồng; mở các đợt cao điểm đấu tranh, trấn áp tội phạm, nhất là tội phạm do TTN gây ra. Đồng thời, gọi hỏi, răn đe những thành phần bất hảo, kiểm tra đột xuất, thu hồi dao, kiếm, mã tấu... nhằm ngăn chặn ngay từ đầu hành vi cố ý gây thương tích, thậm chí là giết người.

Bên cạnh đó, các cơ quan tố tụng như Viện KSND, TAND cũng đẩy mạnh việc truy tố, xét xử nghiêm các hành vi để răn đe, giáo dục phòng ngừa chung. Ông Đỗ Văn Quý, Trưởng Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về trật tự xã hội (Viện KSND tỉnh) cho rằng: “Phần lớn TTN phạm tội do bị xúi giục, lôi kéo, kích động. Tuy vậy, hậu quả gây ra rất nghiêm trọng, do đó quan điểm của ngành là truy tố đúng người đúng tội và không để lọt tội phạm để răn đe, phòng ngừa”.

Tuy nhiên, ngoài sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, quan trọng hơn cả là các bậc cha mẹ cần dành thời gian quan tâm, nắm bắt suy nghĩ, tình cảm, chia sẻ với con để kịp thời định hướng, giáo dục, tháo gỡ những hiểu lầm không đáng có.                       


Tác giả: KIỀU ANH
Nguồn:baobinhdinh.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật