A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kết quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020

(binhdinh.gov.vn) - Sau khi Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể về cải cách hành chính (CCHC) giai đoạn 2011 - 2020, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo triển khai phổ biến, quán triệt nội dung Chương trình tổng thể và chỉ đạo xây dựng các kế hoạch thực hiện Chương trình đến các cấp, các ngành, đến từng cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), đảng viên và quần chúng nhân dân. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của CBCCVC, đảng viên và quần chúng nhân dân về quan điểm, mục tiêu, vai trò, sự cần thiết phải thực hiện CCHC và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh CCHC giai đoạn 2011 – 2020.

Qua 10 năm triển khai, các nội dung trong Chương trình tổng thể CCHC trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Cải cách thể chế

Việc triển khai xây dựng, hoàn thiện, triển khai hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước được quan tâm thực hiện. Từ năm 2011 đến nay, HĐND và UBND tỉnh đã ban hành theo thẩm quyền 853 văn bản quy phạm pháp luật trên tất cả các lĩnh vực, cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh.

Cải cách thủ tục hành chính

Công tác cải cách thủ tục hành (TTHC) trên các lĩnh vực quản lý nhà nước theo quy định của Chính phủ, các bộ, ngành luôn được coi là nội dung trọng tâm của CCHC, là khâu đột phá nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh. Quy trình giải quyết TTHC được xây dựng khoa học, hợp lý, bảo đảm rõ trách nhiệm, rõ thời gian giải quyết, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có liên quan. Trách nhiệm giải trình của các cơ quan, đơn vị trong thực hiện TTHC được thực hiện nghiêm túc theo quy định; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm CBCCVC gây khó khăn, phiền hà cho nhân dân, tổ chức và doanh nghiệp (DN). Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã duy trì việc đối thoại trực tiếp với các DN; thường xuyên làm việc với DN để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động kinh doanh của DN.

Công tác kiểm soát TTHC được chú trọng thực hiện; đã rà soát trên 2.030 TTHC ba cấp và thực hiện “địa phương hóa”, công khai 1.875 TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của các sở, ban, ngành trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG); thông qua phương án đơn giản hóa 113 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã theo đúng quy định. 11% TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 và 4,3% TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4; 16 TTHC được kết nối, tích hợp lên Cổng DVCQG.

Triển khai việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân được gửi trên Cổng DVCQG, 100% nội dung phản ảnh đã được thực hiện một cách kịp thời, đảm bảo thời gian theo quy định.

Cơ chế một cửa, một cửa liên thông tiếp tục được hoàn thiện và triển khai đồng bộ ở các cấp chính quyền. Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh được thành lập để tiếp nhận giải quyết các TTHC thuộc thẩm quyền của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và một số cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh. Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở cấp huyện và cấp xã được đầu tư nâng cấp theo hướng hiện đại; 100% cơ quan, đơn vị từ cấp tỉnh đến cấp xã vận hành, sử dụng phần mềm một cửa điện tử, đảm bảo kết nối liên thông giữa các cấp chính quyền. Ban hành danh mục 1.182 TTHC thực hiện theo cơ chế một cửa và danh mục 659 TTHC thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông được tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại UBND cấp huyện, UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trước hẹn và đúng hẹn hàng năm đạt trên 90%, hồ sơ giải quyết trễ hẹn được xin lỗi công khai.

Đến nay, 100% các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện việc trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích; tỷ lệ hồ sơ phát sinh qua dịch vụ công ích đạt 10%...

Cải cách tổ chức bộ máy hành chính

UBND tỉnh đã chỉ đạo sắp xếp kiện toàn bộ máy bên trong của các sở, ngành. Qua sắp xếp đã giảm 54 tổ chức (20 phòng chuyên môn thuộc sở, 03 chi cục trực thuộc sở, 31 phòng thuộc chi cục); giảm 20 lãnh đạo chi cục (03 cấp trưởng, 17 cấp phó); giảm 47 lãnh đạo phòng thuộc sở (14 trưởng phòng, 33 phó phòng); giảm 52 lãnh đạo phòng thuộc chi cục/ban (31 trưởng phòng, 21 phó phòng); thực hiện giải thể, hợp nhất, sắp xếp 58 tổ chức phối hợp liên ngành.

Công tác tinh giản biên chế được thực hiện quyết liệt gắn với xây dựng đề án vị trí việc làm và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp tỉnh. Toàn tỉnh đã thực hiện tinh giản 219/2.449 biên chế công chức, đạt tỷ lệ 8,94% và 2.321/30.028 biên chế viên chức, đạt tỷ lệ 7,73%; giải quyết chính sách tinh giản biên chế cho 1.606 người.

UBND cấp tỉnh chỉ đạo tiến hành thành lập, rà soát, sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đối với các sở, ngành theo hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương nhằm bảo đảm tính hệ thống và hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh.

Việc tăng cường thực hiện phân cấp gắn với công tác cải cách TTHC góp phần giảm phiền hà, giải quyết nhanh gọn thủ tục cho công dân và DN trên nhiều lĩnh vực, nhất là về đất đai, xây dựng, quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, CBCCVC cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp; phân cấp về thực hiện chính sách xã hội, quản lý quy hoạch du lịch... góp phần tạo ra chuyển biến tích cực trong hoạt động của chính quyền địa phương cũng như của các sở, ngành của tỉnh…

Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC

Công tác tuyển dụng, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức của tỉnh được thực hiện theo hướng cạnh tranh, công bằng, công khai, đảm bảo tiêu chuẩn quy định, từng bước quy chuẩn hoá theo cơ cấu ngạch công chức, hạng viên chức và vị trí việc làm gắn với xây dựng đội ngũ CBCCVC đảm bảo số lượng, cơ cấu hợp lý, có đủ phẩm chất, năng lực và trình độ đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý được gắn kết với các khâu của công tác cán bộ, bảo đảm sự liên thông giữa các cấp trong đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị và cơ cấu độ tuổi, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cả trước mắt và lâu dài.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp được đẩy mạnh, tạo chuyển biến tích cực, bước đầu gắn kết chặt chẽ với công tác quy hoạch; tập trung đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chú trọng bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm; cập nhập bổ sung kiến thức pháp luật, kỹ năng, phương pháp thực hiện nhiệm vụ, công vụ.

Đến nay, đội ngũ cán bộ các cấp đã có bước trưởng thành, phát triển về nhiều mặt, chất lượng ngày càng được nâng lên; cơ cấu độ tuổi, giới tính, dân tộc, ngành, nghề và lĩnh vực công tác có sự cân đối, hợp lý hơn, tăng cường cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số.

Cải cách tài chính công

Thực hiện chủ trương của Trung ương về cải cách tiền lương, trong giai đoạn 2011-2020, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương. Đồng thời, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp quản lý chi NSNN chặt chẽ, triệt để tiết kiệm và hiệu quả ngay từ khâu lập dự toán; sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực tài chính đầu tư cho các công trình y tế, giáo dục và đào tạo... trên địa bàn tỉnh; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, xử lý được các vấn đề cấp bách về thiên tai dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu...

Thực hiện đổi mới công tác quản lý, sử dụng kinh phí theo kết quả đầu ra và nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Tiếp tục triển khai thực hiện đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Đến nay, 100% cơ quan hành chính cấp huyện, cấp tỉnh và 100% xã, phường, thị trấn đã thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính…

Hiện đại hóa hành chính

Đến nay, hạ tầng công nghệ thông tin của hầu hết các cơ quan hành chính từ tỉnh đến xã đã được trang bị hoàn chỉnh. Hệ thống văn phòng điện tử (Idesk) đã được triển khai từ tỉnh xuống xã với 393/393, tỷ lệ 100% cơ quan, đơn vị tham gia và kết nối trên Trục liên thông văn bản Quốc gia, bảo đảm việc gửi, nhận văn bản điện tử liên thông giữa 4 cấp hành chính từ Trung ương đến cấp xã, phường, thị trấn. Đến nay, tỷ lệ văn bản được trao đổi hoàn toàn dưới dạng điện tử giữa các cơ quan nhà nước của tỉnh đạt trên 95%; xử lý hồ sơ qua môi trường mạng đạt 73,5% (đối với cấp tỉnh).

Cổng Thông tin điện tử và Dịch vụ công của tỉnh tiếp tục được đầu tư nâng cấp và hoàn thiện, bảo đảm 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền được cung cấp trực tuyến. Toàn tỉnh hiện có 100% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến. Ngoài ra, hình thức thanh toán trực tuyến cũng được đưa vào triển khai và bước đầu đem lại hiệu quả.

Đến nay, có 105/159 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã hoàn thành và công bố việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO trong quản lý; 38/68 cơ quan, đơn vị đã thực hiện việc chuyển đổi áp dụng ISO phiên bản TCVN 9001:2008 sang phiên bản mới TCVN ISO 9001:2015.

Trong những năm qua, công tác CCHC được tập trung triển khai thực hiện đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực và đạt được những kết quả quan trọng đã tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng phục vụ người dân, tổ chức và DN, hướng tới mục tiêu xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Kim Loan


Tin nổi bật Tin nổi bật