A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang về việc thực hiện đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh

(binhdinh.gov.vn) - UBND tỉnh đã ban hành Thông báo số 308/TB-UBND ngày 31/12/2021 về ý kiến kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh liên quan đến việc đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) 

Theo nội dung Thông báo, trên cơ sở kết quả đạt được từ việc thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ trong thời gian qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang chỉ đạo một số nhiệm vụ, giải pháp cần trung thực hiện trong thời gian tới, nhất là việc triển khai Kế hoạch thực hiện “Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông” trên địa bàn tỉnh (ban hành kèm theo Quyết định số 4521/QĐ-UBND ngày 12/11/2021 của UBND tỉnh) cụ thể như sau:

1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XX và Chương trình hành động số 09 của Tỉnh ủy về cải cách hành chính, trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính giai đoạn 2020 – 2025 với quan điểm: “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, động lực của sự phục vụ; lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước”; chủ động, linh hoạt, sáng tạo, quyết tâm trong tổ chức thực hiện, phát huy những kết quả đã đạt được và tập trung khắc phục ngay những tồn tại hạn chế. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải trực tiếp chủ trì, lãnh đạo chỉ đạo công tác cải cách hành chính nói chung và cải cách thủ tục hành chính nói riêng của cơ quan, đơn vị, địa phương mình.  

2. Tập trung rà soát, đơn giản hóa, kiến nghị và loại bỏ những quy định, những thủ tục không phù hợp, không cần thiết gây phiền hà, sách nhiễu, khó khăn cho người dân và doanh nghiệp; tăng cường tính liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính giữa các ngành, các cấp trên tinh thần đổi mới sáng tạo và không ngại khó. Mức độ, hiệu quả của cơ chế một cửa trong giải quyết thủ tục hành chính phải được đánh giá trên cơ sở sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp cả về chất lượng, thời gian, chi phí thực hiện thủ tục; mọi vướng mắc cần được tiếp thu và giải quyết kịp thời. Tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý quy định về việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu số hóa và sử dụng kết quả số hóa giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính cũng như việc kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính.

3. Nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá của Kế hoạch thực hiện Đề án “Đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính” đó là: công tác số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính và sử dụng lại kết quả số hóa trong thực hiện thủ tục hành chính theo phương thức trực tuyến; đảm bảo sự chia sẻ, liên thông giữa các cơ quan nhà nước trong tỉnh và liên thông với Cơ sở dữ liệu quốc gia để giảm giấy tờ, hồ sơ và thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Do đó, các cơ quan chức năng liên quan phải chủ động phối hợp trong triển khai thực hiện, đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số, trước hết là chữ ký số, chứng thực số, thanh toán số, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa thực hiện tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính không giới hạn bởi địa giới hành chính với thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số theo Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 20 tháng 9 năm 2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XX) để thúc đẩy và nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến, chuyển từ chính quyền điện tử sang chính quyền số, xây dựng kinh tế số và xã hội số.

4. Tiếp tục siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính của các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là cấp cơ sở. Có cơ chế kiểm tra, giám sát việc tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính, xử lý nghiêm người vi phạm, khen thưởng kịp thời những người thi hành xuất sắc nhiệm vụ nhằm tiếp tục tạo bước chuyển biến căn bản trong quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp, giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau trong giải quyết và thực hiện các thủ tục hành chính; lấy “Kết quả chỉ số cải cách hành chính” và “Kết quả đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước” là tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, bình xét thi đua - khen thưởng hằng năm đối với cơ quan, đơn vị, địa phương và cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đối với Người đứng đầu.

5. Giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh nghiên cứu, tham mưu thực hiện hiệu quả Đề án Văn hóa công vụ (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018) thông qua việc đề xuất các sáng kiến, nỗ lực cải cách hành chính đáp ứng yêu cầu xây dựng phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công và Bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ.

6. Văn phòng UBND tỉnh tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ trì, tham mưu thực hiện Đề án “Đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính”; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, theo dõi, đánh giá quá trình triển khai của các sở, ngành, địa phương. Đề xuất quan điểm, chính kiến cụ thể trong công tác tham mưu UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh xem xét trách nhiệm đối với các cơ quan, đơn vị và cá nhân có tư duy, lề lối làm việc trì trệ, trì hoãn sự đổi mới, không đáp ứng yêu cầu công tác cải cách hành chính và xử lý nghiêm những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của công chức, viên chức trong thực thi công vụ, giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp./.

Dũng Linh


Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật