A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bình Định: Đẩy mạnh công tác cải cách tư pháp năm 2024

(binhdinh.gov.vn) - Sáng 15/12, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh tổ chức họp đánh giá kết quả công tác tư pháp, cải cách tư pháp và hoạt động của Ban Chỉ đạo Cái cách tư pháp tỉnh năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 dưới sự chủ trì của đồng chí Hồ Quốc Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh. Tham dự họp có các đồng chí: Phạm Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Đoàn Văn Phi, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; cùng các thành viên trong Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh.

Quang cảnh cuộc họp

Báo cáo của Ban chỉ đạo đánh giá, năm 2023, công tác tư pháp, cải cách tư pháp và hoạt động của Ban Chỉ đạo đạt được nhiều kết quả tích cực. Ban đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác tư pháp và cải cách tư pháp trên địa bàn tỉnh. Các thành viên Ban Chỉ đạo đã chủ động thực hiện nhiệm vụ do Ban Chỉ đạo phân công, tích cực chỉ đạo thực hiện có hiệu quả nhiều nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến công tác tư pháp và hoạt động tư pháp trong từng ngành, lĩnh vực, cơ quan do mình quản lý, phụ trách. 

Công tác hướng dẫn, áp dụng thống nhất pháp luật được tăng cường hơn; công tác phối hợp trong giải quyết các vụ án, vụ việc, nhất là các vụ án, vụ việc có khó khăn, vướng mắc, tồn đọng, kéo dài ngày càng chặt chẽ. Chất lượng hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án được nâng lên rõ rệt, tình trạng án quá hạn, án hủy, sửa, án trả hồ sơ để điều tra bổ sung đều giảm; không để xảy ra án oan, án sai, không hình sự hóa các quan hệ dân sự. 

Công tác chất vấn của HĐND tỉnh đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp được đổi mới, chuyển biến tích cực. Công tác chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan tư pháp tiếp tục được quan tâm, phát huy hiệu quả. Đội ngũ giám định viên trong các cơ quan chuyên môn của tỉnh được kiện toàn, bổ sung.

Tại cuộc họp, các thành viên Ban chỉ đạo đã tập trung thảo luận, phân tích, làm rõ những ưu điểm, đề ra các giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế trong hoạt động tư pháp, cải cách tư pháp. Nhất là chủ động hơn nữa trong công tác kiểm tra, đôn đốc điều tra, truy tố, giải quyết, xét xử, thi hành án các vụ án, vụ việc khó khăn, vướng mắc, tồn đọng, kéo dài. Tăng cường hơn nữa trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền địa phương trong hoạt động tư pháp, cải cách tư pháp.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn phát biểu tham luận tại cuộc họp

Phát biểu tham gia thảo luận tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho biết sẽ chỉ đạo, đôn đốc UBND các cấp và cơ quan chuyên môn có liên quan của tỉnh phối hợp tốt với các cơ quan tư pháp trong công tác định giá tài sản, giám định, cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ phục vụ cho hoạt động điều tra, giải quyết, xét xử và thi hành án theo đúng quy định của pháp luật. Tiếp tục chỉ đạo xây dựng, kiện toàn đội ngũ giám định viên tư pháp tại các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh vững về chuyên môn, bản lĩnh, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cải cách tư pháp.

Đồng chí Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh Hồ Quốc Dũng đã biểu dương, ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của Ban Chỉ đạo, các cơ quan, đơn vị đã chủ động, tích cực, triển khai nhiệm vụ cải cách tư pháp năm 2023 đạt nhiều kết quả tích cực.

Về nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024, đồng chí Hồ Quốc Dũng yêu cầu các cấp ủy, các ngành, đơn vị có liên quan tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, cụ thể hóa và thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới”; tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, văn bản, kế hoạch của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh ủy về công tác cải cách tư pháp.

Hướng dẫn các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Tỉnh ủy và các cơ quan, đơn vị có liên quan lãnh đạo, chỉ đạo về công tác tư pháp và cải cách tư pháp. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan tham mưu, giúp việc cho cấp ủy cấp huyện về công tác nội chính, tư pháp, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tiếp dân và xử lý đơn, thư.

Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc các huyện ủy, thị ủy, thành ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về công tác tư pháp và cải cách tư pháp; chỉ đạo, đôn đốc các huyện ủy, thị ủy, thành ủy tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động tư pháp ở địa phương.

Tiếp tục chỉ đạo nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thẩm tra, giám sát, chất vấn của HĐND các cấp; công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện đối với các hoạt động tư pháp ở địa phương.

Lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan tư pháp tăng cường công tác phối hợp trong giải quyết, xét xử, thi hành án các vụ án, vụ việc còn tồn đọng, kéo dài, gây bức xúc, các vụ án, vụ việc có quan điểm giải quyết khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và các vụ án, vụ việc Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh theo dõi, chỉ đạo. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp hạn chế việc tạm giữ, tạm giam trong các vụ án kinh tế, không “hình sự hóa” các quan hệ dân sự; không để xảy ra các trường hợp án oan, sai, bỏ lọt tội phạm; hạn chế thấp nhất án bị hủy, sửa, trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung do nguyên nhân chủ quan. 

Tiếp tục chỉ đạo ủy ban nhân dân các cấp và cơ quan chuyên môn có liên quan nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ kết luận giám định, định giá tài sản, cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ phục vụ hoạt động giải quyết các vụ án, vụ việc của các cơ quan tư pháp.  


Tác giả: Thuỳ Trang

Tin nổi bật Tin nổi bật