A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị lần thứ nhất Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ

(binhdinh.gov.vn) - Sáng 12/8, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối vùng lần thứ nhất, với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND các tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang và lãnh đạo các sở ngành liên quan của tỉnh dự Hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang (bên trái hàng đầu) tham dự Hội nghị

Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ bao gồm 14 tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận. Vùng có diện tích tự nhiên chiếm 28,9% diện tích cả nước; có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, đối ngoại và quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo; cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế, văn hóa quốc tế... Vùng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển với gần 2.000 km bờ biển (chiếm 60% bờ biển cả nước), có 11 trong 18 Khu kinh tế ven biển của cả nước và là cửa ngõ ra biển cho các tỉnh Tây Nguyên, kết nối hành lang Kinh tế Đông - Tây với tuyến đường hàng hải quốc tế.

Theo Quyết định 824/QĐ-TTg ngày 11/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung Bộ (HĐĐPV) được công bố tại Hội nghị, việc thành lập HĐĐPV nhằm đổi mới cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy phát triển KT-XH của vùng phát triển nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường và bảo đảm QPAN.

HĐĐPV do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà làm Chủ tịch; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Phó Chủ tịch Thường trực và các Phó Chủ tịch gồm Bộ trưởng các bộ: Công Thương; Giao thông vận tải; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Trên cơ sở Quyết định thành lập HĐĐPV, ngày 01/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Chủ tịch HĐĐPV đã ký Quyết định ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng. Quy chế này quy định về tổ chức hoạt động và phối hợp của Hội đồng, nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ để thực hiện mục tiêu định hướng phát triển bền vững vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông qua dự thảo Kế hoạch công tác của Hội đồng điều phối vùng

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thông qua dự thảo Kế hoạch công tác của Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ 6 tháng cuối năm 2023; các Bộ, ngành, địa phương đã tham luận, thảo luận, nêu ra những thuận lợi, khó khăn, cũng như vấn đề HĐĐPV cần quan tâm triển khai trong thời gian đến để hướng tới mục tiêu thúc đẩy phát triển KT-XH của vùng phát triển nhanh, bền vững.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá cao tinh thần, cách thức làm việc của Hội nghị và cho rằng, đây là Hội nghị có sự trao đổi thẳng thắn, đi sâu vào thảo luận các vấn đề trọng tâm, trao đổi ý kiến để thỏa thuận thống nhất vì lợi ích chung của vùng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần phải xác định sản phẩm chiến lược của vùng, sản phẩm chiến lược của địa phương, của tiểu vùng; phải xác định cơ chế làm việc, không mang tính hành chính, thể hiện trách nhiệm nhiệt huyết, xác định những công việc đã đặt ra phải làm ngay, những việc trong kế hoạch thì phải thực hiện. Cần gắn kết các tỉnh trong vùng, các khâu chỉ đạo của Trung ương và địa phương, với tiêu chí lựa chọn công việc là nhìn góc độ liên vùng, đóng góp vào sự phát triển của Quốc gia.

Phó Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu để các Bộ, ngành, địa phương trong vùng trao đổi thông tin, đây sẽ là kênh trao đổi thông tin, giải quyết những vướng mắc của Vùng.

Đánh giá cao dự thảo kế hoạch 6 tháng năm 2023, Phó Thủ tướng đề nghị, cần tính toán kế hoạch phát huy các tiềm năng lợi thế, tối ưu lợi thế tiểu vùng. Phải khẩn trương xây dựng Quy hoạch vùng, tập trung quy hoạch giao thông, tạo nên kết nối, liên thông, hỗ trợ, phát huy lợi thế lẫn nhau và giảm đi các xung đột giữa các địa phương trong vùng. Quy hoạch vùng phải xác định lợi thế, sản phẩm của địa phương, tiểu vùng; phải tính toán đến việc phát huy thế mạnh của địa phương và của vùng.


Tác giả: Trang Lê

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật