A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội thảo khu vực Duyên hải miền Trung về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững

(binhdinh.gov.vn) - Sáng 23/8, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với UBND tỉnh Bình Định, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Hội thảo khu vực Duyên hải miền Trung về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững. 

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án Sáng kiến Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) do USAID tài trợ, nhằm trao đổi và thảo luận về các thực hành tốt trong quản trị môi trường, thúc đẩy tăng trưởng xanh giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực Duyên hải miền Trung và với các khu vực khác trên toàn quốc. Đây cũng là một sự kiện quan trọng, đánh dấu bước tiến mới trong nỗ lực chung nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. 

Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành phát biểu tại hội thảo. 

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành cho hay sự phát triển bền vững của các quốc gia trên thế giới, bao gồm Việt Nam, đang đối mặt với những thách thức lớn từ biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Theo nhiều nghiên cứu quốc tế, Việt Nam hiện là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu, trong khi ô nhiễm môi trường ngày càng trở thành vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Hiện nay, khu vực Duyên hải miền Trung cũng đang gặp phải các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ lụt và hạn hán… ngày càng gia tăng, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống và hoạt động kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

Theo Phó Chủ tịch VCCI, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh không chỉ là một yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà còn là nền tảng để xây dựng một nền kinh tế bền vững và thịnh vượng. Một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển, đổi mới và cạnh tranh lành mạnh. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng. Hơn nữa, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh còn giúp các tỉnh, thành phố trong khu vực Duyên hải miền Trung nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút các nguồn lực đầu tư từ cả trong và ngoài nước. Điều này đặc biệt quan trọng khi chúng ta đang hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế xanh và bền vững, đảm bảo sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường.

“Chúng ta đang đứng trước cơ hội lớn để cùng nhau xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bền vững và xanh hơn. Tôi tin rằng, với sự tham gia tích cực và những đóng góp quý báu từ quý vị đại biểu, hội thảo hôm nay sẽ mang lại nhiều kết quả thiết thực, góp phần vào sự phát triển bền vững của khu vực Duyên hải miền Trung nói riêng và cả nước nói chung”, Phó Chủ tịch VCCI tin tưởng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang cho biết: Trong thời gian qua, tỉnh Bình Định đã chú trọng nâng cao tính minh bạch, năng lực cán bộ các cơ quan công quyền; tăng cường sự phối hợp giữa các bên để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và hợp tác kinh tế quốc tế. Để phù hợp với xu thế hợp tác phát triển mạnh mẽ hiện nay, lãnh đạo tỉnh Bình Định đang tiếp tục đổi mới phương thức làm việc theo tinh thần “làm gương, kỷ cương, trọng tâm, bứt phá”, chuyển đổi tư duy từ “chính quyền quản lý” sang “chính quyền phục vụ”, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động trong khuôn khổ quy định pháp luật. Bên cạnh công tác cải cách hành chính, tỉnh Bình Định cũng chú trọng đến công tác phát triển kinh tế xanh và bền vững.

Năm 2023, tổng số điểm PCI tỉnh Bình Định đạt được là 67,44 điểm, tăng 0,79 điểm so với năm 2022, xếp thứ hạng 25/63 tỉnh, thành phố, thuộc nhóm 30 địa phương có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất trong năm 2023.  Về Chỉ số PGI, Bình Định đạt 23,37 điểm, tăng 8,19 điểm so với năm 2022.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang nhấn mạnh: Để hướng tới phát triển bền vững, chúng ta cần có những chọn lựa đúng đắn trong quá trình phát triển. Chúng ta đang ở thời điểm mang tính quyết định, lựa chọn đúng sẽ tránh được suy thoái môi trường và phí tổn để khắc phục hậu quả môi trường như nhiều quốc gia đã phải đối mặt. Với lợi thế đi sau, Việt Nam nói chung và Bình Định nói riêng hoàn toàn có thể phát triển theo hướng một nền kinh tế xanh, hướng tới sự phát triển bền vững, đạt mục tiêu hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường.

Ông Douglas Balko - Giám đốc Phòng Giáo dục, Phát triển kinh tế và Quản trị nhà nước, USAID tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Ông Douglas Balko - Giám đốc Phòng Giáo dục, Phát triển kinh tế và Quản trị nhà nước, USAID tại Việt Nam nhận định: Bình Định là ví dụ điển hình cho những bước tiến mà USAID đang thực hiện để hướng đến tăng trưởng xanh. Nằm ở vị trí chiến lược tại khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, Bình Định đã tận dụng vị trí địa lý – kinh tế của mình để trở thành cửa ngõ quan trọng cho đầu tư, thương mại, du lịch và phát triển kinh tế xanh. Nền kinh tế đa dạng của tỉnh, với các trụ cột chính là công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ và kinh tế biển, thể hiện cam kết của tỉnh hướng tới tăng trưởng cân bằng và bền vững.

“Hội thảo này là cơ hội để các tỉnh chia sẻ những kinh nghiệm trong việc thúc đẩy kinh tế xanh. Bằng cách học hỏi từ các tỉnh, chúng ta có thể phát triển các chiến lược sáng tạo nhằm tăng cường mối liên kết khu vực và thúc đẩy phát triển bền vững. Và về mặt hiệp lực, chúng ta có thể tạo ra một hệ sinh thái kinh doanh không chỉ phát triển mạnh về mặt kinh tế mà còn bảo tồn tài nguyên thiên nhiên của chúng ta.” - Ông Douglas Balko tin tưởng.

Quang cảnh hội thảo

Tại hội thảo, các chuyên gia đã tập trung phân tích môi trường kinh doanh miền Trung từ kết quả PCI và những vấn đề đặt ra đối với phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường của khu vực Duyên hải miền Trung; việc nâng cao chất lượng quản trị môi trường hướng tới phát triển bền vững trong khu vực Duyên hải miền Trung thông qua kết quả PGI; chuyển đổi xanh và những vấn đề đặt ra đối với chính quyền cấp tỉnh; tăng trưởng kinh tế và bài toán môi trường.

Các chuyên gia khuyến nghị các địa phương trong khu vực Duyên hải miền Trung cần tiếp tục nỗ lực xây dựng chính quyền địa phương thân thiện với người dân và doanh nghiệp, cải thiện hiệu quả hoạt động, nâng cao năng lực phản ứng và chất lượng thực thi chính sách, pháp luật, kịp thời xử lý các vấn đề mới phát sinh thuộc thẩm quyền. Thực hiện Luật Đất đai 2024 và các nghị định hướng dẫn một cách hiệu quả, theo hướng đơn giản hóa quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đất đai và tiếp tục hoàn thiện và thực hiện công khai cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình phê duyệt giá đất, tạo tiền đề để thực hiện các thủ tục hành chính liên quan. Cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp; tập trung vào các lĩnh vực mà doanh nghiệp cho biết còn nhiều phiền hà như đất đai, thuế, môi trường, phòng cháy, bảo hiểm xã hội. Các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp cần tập trung giải quyết những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải đó là tiếp cận tín dụng, tìm kiếm khách hàng, biến động thị trường,… Chú trọng đào tạo lao động có kỹ năng chuyên môn kỹ thuật cao, để từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động trong nước từ chủ yếu dựa vào lợi thế cạnh tranh từ nguồn nhân công giá rẻ sang lực lượng lao động có trình độ cao trong nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao vào Việt Nam. Đẩy mạnh tuyên truyền để doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực, thực hiện các thủ tục hành chính, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp,tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp…

Cùng với đó, các chuyên gia cũng khuyến nghị các địa phương thực thi tốt hơn các tiêu chuẩn, quy chuẩn về bảo vệ môi trường, thực thi pháp luật nghiêm túc, giám sát chặt chẽ từ khâu đầu tư, xây dựng đến vận hành, song cần tránh tạo gánh nặng không cần thiết với doanh nghiệp. Phổ biến thông tin hiệu quả tới cộng đồng doanh nghiệp các nội dung liên quan tới bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Dẫn dắt và khuyến khích các doanh nghiệp nâng cấp công nghệ, đầu tư theo hướng thân thiện với môi trường qua các chương trình phù hợp. Tổ chức triển khai tới từng đơn vị có liên quan, gắn với trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu, cơ quan chủ trì, phối hợp,… đồng thời thực hiện việc giám sát, đánh giá định kỳ một cách thực chất, công khai, minh bạch để đảm bảo hiệu quả thực thi của kế hoạch.

Tại hội thảo, đại diện các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp và nhà đầu tư cũng đã chia sẻ kinh nghiệm trong cải thiện môi trường kinh doanh hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững./.


Tác giả: Kim Loan

Tin nổi bật Tin nổi bật