|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Họp Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06 tỉnh

(binhdinh.gov.vn) - Chiều 21/6, UBND tỉnh tổ chức họp Ban Chỉ đạo thực hiện “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt Đề án 06), bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, đánh giá kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm 2023, quán triệt một số nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm. Đồng chí Phạm Anh Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đề án 06 tỉnh chủ trì. Tham dự cuộc họp có các đồng chí trong Ban chỉ đạo Đề án 06 của tỉnh.

Quang cảnh cuộc họp

Theo báo cáo tại cuộc họp, tính đến ngày 20/6/2023, có 38 nhiệm vụ được giao, trong đó 33 nhiệm vụ theo Kế hoạch năm 2023 của tỉnh; 5 nhiệm vụ phát sinh do Trung ương giao. Đã giải quyết hoàn thành 22 nhiệm vụ; đang giải quyết 16 nhiệm vụ (hầu hết mang tính thường xuyên, không có thời hạn). Hiện nay, việc triển khai Đề án 06 còn một số khó khăn, vướng mắt. Cụ thể, hiện nay VNPT Bình Định chậm triển khai, nâng cấp Hệ thống VNPT iGate, đáng kể đó là: Chưa hoàn thành chức số hóa kết quả thành phần hồ sơ đầu vào, chưa hoàn thành Kho dữ liệu dùng chung, chưa hoàn thành thiết lập các biểu mẫu điện tử tương tác và một số chức năng khác, chưa hoàn thành tính năng thống kê, truy xuất các chỉ tiêu liên quan đến DVCTT (phải tổng hợp thủ công). Việc thực hiện chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt trong thực hiện chính sách ASXH gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, dẫn đến tỷ lệ chi trả đạt thấp: 142/127.450 đối tượng (tỷ lệ 0,1%). Do người dân chưa có thói quen, ngại tiếp xúc với công nghệ; mạng lưới các điểm giao dịch Ngân hàng, trụ ATM trên địa bàn các xã còn hạn chế.

Từ ngày 01/01/2023 đến ngày 20/6/2023 trên địa bàn toàn tỉnh tiếp nhận 218.262 hồ sơ đăng ký giải quyết thủ tục hành chính. Cán bộ, công chức khi tiếp nhận đã thực hiện xác thực thông tin định danh công dân đối với 127.152 hồ sơ (trong đó, 2.520 hồ sơ thực hiện xác thực thông tin hộ gia đình, 7.281 xác thực thông tin chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, 94.510 hồ sơ tiếp nhận trực tiếp có thực hiện xác thực, 32.791 hồ sơ tiếp nhận trực tuyến có thực hiện xác thực).

Ngày 17/6/2023, Bình Định là đơn vị thứ 4 trên toàn quốc hoàn thành các nội dung tích hợp với phần mềm Dịch vụ công liên thông để phục vụ thực hiện dịch vụ công đối với 02 thủ tục: Liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; Liên thông đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn - Trưởng ban Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06 của tỉnh phát biểu chỉ đạo 

Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho biết, Đề án 06 là đề án trọng tâm của Chính phủ do Bộ Công an chủ trì. Nội dung trọng tâm của đề án này là rà soát, cập nhật dữ liệu dân cư, định danh công dân điện tử, kết nối chia sẻ dữ liệu để làm thủ tục hành chính và các thủ tục khác. Trong đó, vấn đề triển khai tất cả các địa phương cùng làm theo đúng chức năng, nhiệm vụ. Thời gian qua, Văn phòng UBND tỉnh đã triển khai đạt được một số kết quả, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế, điểm nghẽn như: Một số quy trình, thủ tục hành chính đã cải cách nhưng vẫn còn rời rạc; số hóa hồ sơ và tuyên truyền; Lực lượng công an kết nối, chia sẻ, dữ liệu; tâm lý các cán bộ sở ngành vẫn muốn người dân đến trực tiếp. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, thời gian tới phải giải quyết dứt điểm các điểm nghẽn. Văn phòng UBND tỉnh và các sở ngành, địa phương cần đánh giá cụ thể của từng cấp, từng đơn vị và giao chỉ tiêu cụ thể. Theo đó, đơn vị nào không hoàn thành cuối năm sẽ bị xử lý.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý, tất cả các ngành cùng vào cuộc theo phương châm vướng ở đâu giải quyết đó. Trước mắt, trong tháng 6/2023, phải làm việc cụ thể giao chỉ tiêu đến từng địa phương. Đối với những địa bàn trung tâm chỉ tiêu cao hơn, địa bàn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chỉ tiêu thấp hơn. Trong đó, chú trọng những chỉ tiêu đánh giá ở lĩnh vực dịch vụ công trực tuyến, tài khoản định danh, thanh toán điện tử, số hóa hồ sơ. Sau khi hoàn thành các dịch vụ phải tìm cách làm hay để hướng dẫn người dân. Đồng thời Tổ công nghệ số thanh niên cộng đồng tích cực phối hợp với các địa phương để hướng dẫn người dân trong việc cải cách hành chính và thực hiện các thủ tục khai báo định danh điện tử.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu hạ tầng cơ sở  phải đảm bảo. Tập trung tuyên truyền chuyên đề, trước mắt tuyên truyền cho người dân tập trung khai báo định danh điện tử cấp độ 2 và kích hoạt. Thường xuyên có sự thay đổi nội dung chính, phổ cập cho người dân biết về chữ ký số. Lực lượng tham gia tuyên truyền phải hướng dẫn cụ thể cho người dân. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh, các sở ngành, địa phương phải nâng cao ý thức của cán bộ, công chức, viên chức trong việc cách cách hành chính.


Tác giả: Thuỳ Trang

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật