Khai mạc Hội thảo “Khoa học vì hoà bình” của Liên minh nghị viện thế giới
(binhdinh.gov.vn) - Sáng ngày 11/9, tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) đã diễn ra Lễ khai mạc Hội thảo “Khoa học vì hoà bình” của Liên minh nghị viện thế giới với chủ đề: An ninh và mất an ninh nguồn nước: tái thiết sự chung sống hoà bình với khoa học.
Dự khai mạc về phía đại biểu Quốc tế có: Ông Mokhtar Omar - Cố vấn cấp cao của Tổng thư ký Liên minh nghị viện thế giới; cùng hơn 60 nhà khoa học và các nghị sĩ trẻ đại diện 18 quốc gia trên thế giới.
Về phía Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Đức Hải - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam; Vũ Hải Quân - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Nguyễn Tuấn Anh - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Việt Nam; cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.
Về phía lãnh đạo tỉnh có các đồng chí: Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đoàn Văn Phi - Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Lâm Hải Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Lý Tiết Hạnh - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh.
Dự lễ khai mạc còn có GS. Jean Trần Thanh Vân - Chủ tịch Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam; GS. Lê Kim Ngọc - Chủ tịch Hội bảo trợ trẻ em Việt Nam tại Pháp.
Quang cảnh lễ khai mạc hội thảo.
Ông Mokhtar Omar - Cố vấn cấp cao của Tổng thư ký IPU phát biểu tại lễ khai mạc hội thảo.
Hội thảo “Khoa học vì hoà bình” là hội thảo ngoại khoa học quốc tế chất lượng cao, tạo điều kiện cho sự hợp tác giữa các nghị viện thông qua khoa học, truyền cảm hứng cho các các nghị sĩ trẻ của các quốc gia về tinh thần giải quyết các vấn đề chính trị, ngoại giao thông qua nền tảng khoa học do Liên minh nghị viện thế giới (IPU), Hội Khoa học gặp gỡ Việt Nam, Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE), Bộ Khoa học và Công Nghệ Việt Nam, UBND tỉnh Bình Định phối hợp tổ chức. Đây là hội thảo đầu tiên do Liên minh nghị viện thế giới tổ chức tại Trung tâm ICISE trong khuôn khổ ký kết hợp tác giữa Liên minh nghị viện thế giới và Trung tâm ICISE ngày 11 tháng 5 năm 2023 tại Genève, Thuỵ sĩ.
Hội thảo sẽ diễn ra từ ngày 11 – 13/9/2023 với phiên khai mạc chính thức vào 9h00 sáng ngày 11/9/2023 tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành – Số 07 Đại lộ Khoa học, khu vực 2, phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn, Bình Định. Hội thảo sẽ có 9 phiên thảo luận với các chuyên đề chuyên sâu: Khoa học và chính trị; Các chương trình quan sát Trái đất để giám sát nguồn nước; Thực hành lập pháp điển hình; Ngoại giao đa phương, trong khu vực và song phương về nguồn nước cho các hợp tác xuyên biên giới; Phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người đối với an ninh nguồn nước và hòa bình; Đổi mới công nghệ xử lý nước nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước; Thúc đẩy an ninh nguồn nước thông qua khoa học cộng đồng; Mạng lưới Liên minh Nghị viện về nguồn nước; Ngoại giao khoa học và Khoa học dự đoán.
Đồng chí Nguyễn Đức Hải - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam phát biểu tại buổi lễ.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Đức Hải - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam cho biết mối quan tâm về nước không phải là vấn đề của riêng một số quốc gia nào mà là vấn đề có tính toàn cầu, trở thành vấn đề an ninh nguồn nước (ANNN), một trong những thách thức an ninh phi truyền thống lớn mà nhân loại phải đối mặt hiện nay, và là chủ đề tại nhiều diễn đàn lớn trên thế giới. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh trong bối cảnh tác động ngày càng tiêu cực và khó dự báo của Biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước là vấn đề mà Việt Nam đặc biệt quan tâm; cần phải xây dựng định hướng, mục tiêu và các giải pháp cụ thể nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước. Để giải quyết, vượt qua các thách thức nói trên, Việt Nam đã có nhiều giải pháp, trong đó chú trọng đến việc hoàn thiện hệ thống pháp luật. Hiện nay đã có tới trên 100 văn bản quản lý liên quan đến nước. Tại Kỳ họp thứ 6 vào tháng 10 tới đây, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) để điều chỉnh tổng thể về nước; đồng thời đang chỉ đạo các cơ quan rà soát các Luật liên quan để bảo đảm hoàn thiện khuôn khổ lập pháp về ANNN...
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết trong thời gian vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã chủ động, tích cực đề xuất các hoạt động và tham gia các sáng kiến toàn cầu của IPU. Ông đánh giá cao các nỗ lực và sáng kiến của IPU với vai trò là một cơ chế hợp tác liên nghị viện toàn cầu, đã hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với Quốc hội Việt Nam để phát huy vai trò của hợp tác nghị viện nhằm chung tay giải quyết các thách thức toàn cầu. Trong cuối tuần này, Quốc hội Việt Nam và IPU sẽ tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 tại Hà Nội. Đây sẽ là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng, huy động sự tham gia và đóng góp của các Nghị sĩ trẻ trên toàn thế giới cho việc thực hiện chương trình nghị sự toàn cầu vì phát triển bền vững đến năm 2030.
Với mong muốn hợp tác cùng cộng đồng khu vực và quốc tế bảo đảm ANNN quốc gia, giảm bất đồng về khai thác và sử dụng bền vững nước; xây dựng hòa bình thông qua hợp tác khoa học, Đồng chí đề nghị các đại biểu tham dự cùng nhau chia sẻ những thách thức đang gặp phải và trao đổi các giải pháp tháo gỡ; các bài học và kinh nghiệm trong thực hiện mục tiêu này và thảo luận chuyên sâu về 04 chuyên đề của Hội nghị, đó là: Tình hình nước và hòa bình thế giới; Pháp luật và thực tiễn tốt nhất – mạng lưới nghị viện về nước; Nghiên cứu điển hình Việt Nam, Shehel và Trung đông; Hợp tác cho một dự án nước với nhau.
Đồng chí cũng mong muốn các đại biểu tham dự Hội nghị sẽ cùng nhau thống nhất cam kết các mục tiêu mà chúng ta sẽ thực hiện trong thời gian tới để Chủ đề “An ninh và bất an nguồn nước: Xây dựng hòa bình thông qua khoa học” là nội dung hữu ích cho các quốc gia tham dự; vì sự thịnh vượng của các quốc gia cùng với bảo đảm an ninh nguồn nước; thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu đến năm 2030.
Bí thư Tỉnh uỷ Hồ Quốc Dũng phát biểu tại lễ khai mạc.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Bí thư Tỉnh uỷ Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh Hội thảo “Khoa học vì Hòa Bình” diễn ra hôm nay là sự kiện đầu tiên đánh dấu cho Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Liên minh Nghị viện thế giới IPU với Trung tâm ICISE chính thức được hiện thực hóa. Đồng thời, cũng là Hội thảo có ý nghĩa quan trọng và chất lượng cao về mặt học thuật trong bối cảnh “hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển” đang đối mặt với những thách thức lớn. Tại sự kiện này, các vấn đề liên quan đến an ninh và mất an ninh nguồn nước dựa trên các hướng giải quyết từ khoa học để xây dựng hòa bình sẽ được đề cập, phân tích, làm rõ. Sự kiện này cũng góp phần củng cố mối quan hệ giữa cộng đồng khoa học và cộng đồng liên minh các nghị viện nhằm ủng hộ khoa học và hòa bình thế giới.
Bí thư Tỉnh uỷ Hồ Quốc Dũng hy vọng các đại biểu, nhà khoa học sẽ dành thời gian tham quan, khám phá danh lam thắng cảnh, trải nghiệm những nét văn hóa, ẩm thực độc đáo của Bình Định. Đồng thời, hy vọng sau Hội thảo này, các chuyên gia, nhà khoa học sẽ quay trở lại Bình Định, không chỉ để tham dự các cuộc gặp gỡ khoa học mà còn hỗ trợ, giúp đỡ Bình Định phát triển khoa học, giáo dục và các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác để Bình Định thực sự trở thành một điển hình phát triển bền vững dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ.
GS. Jean Trần Thanh Vân - Chủ tịch hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam phát biểu tại lễ khai mạc hội thảo.
Phát biểu tại lễ khai mạc hội thảo, GS. Jean Trần Thanh Vân - Chủ tịch hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam (Rencontres du Vietnam, Pháp) nhấn mạnh: “Việt Nam đã tham gia đề xuất đề án lấy năm 2022-2023 là năm quốc tế khoa học cơ bản để phục vụ phát triển bền vững, một kiến nghị mà Liên hợp quốc đã công bố ngày 2 tháng 12 năm 2021. Việt Nam cũng đã là thành viên sáng lập của kiến nghị Thập niên Khoa học 2024-2034 để phục vụ phát triển bền vững mà Liên hợp quốc đã công bố ngày 25 tháng 8 vừa qua. Những thành công lớn lao của Việt Nam trong hội nhập quốc tế về khoa học cũng đưa lại cho chúng ta một một trách nhiệm thực tế và trách nhiệm này không thể thực hiện được nếu không có sự trao đổi và cộng tác của các nghị viên quốc hội với các lãnh đạo trong mỗi quốc gia. Đấy là tầm nhìn và con đường tương lai để có một phát triển bền vững cho trái đất xanh của chúng ta, một con đường mà Liên minh nghị viện quốc tế và Trung Tâm ICISE sẽ cùng nhau đồng hành, tiến tới. Trung tâm ICISE sẽ trở thành một điểm gặp gỡ thường niên trong tinh thần ngoại giao khoa học của các nghị sĩ quốc hội các nước thuộc Liên minh nghị viện thế giới trong chuỗi các hội thảo IPU Khoa học vì hoà bình”.