|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lễ đón Bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn"

(binhdinh.gov.vn) - Sáng ngày 19/2, tại Chùa Bà (thôn An Hoà, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước), UBND huyện Tuy Phước phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao long trọng tổ chức Lễ đón Bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn".

Tham dự buổi lễ, về phía Bộ VH-TT&DL có đồng chí Nông Quốc Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa.

Về phía tỉnh, có các đồng chí: Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy: Nguyễn Giờ - Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; Huỳnh Thanh Xuân - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Trần Văn Thọ - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Trần Cang - Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy; Nguyễn Thị Phong Vũ - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thúy Vân; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương.

Các đại biểu dự Lễ đón Bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn"

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Lâm Hải Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 1839/QĐ-BVHTTDL ngày 04/8/2022. Đây là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thứ tư của tỉnh Bình Định được ghi danh, tiếp sau Võ cổ truyền Bình Định, Hát bội Bình Định và Nghệ thuật Bài chòi Bình Định. Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh việc Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn được tôn vinh đã góp phần nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa dân gian của loại hình di sản văn hóa phi vật thể này; khẳng định vai trò của lễ hội trong đời sống tinh thần của cộng đồng địa phương, tôn trọng giá trị của di sản tại vùng đất Bình Định, góp phần tạo nên sự đa dạng văn hóa trong tổng thể các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam. Đây vừa là niềm vinh dự, tự hào vừa là trách nhiệm lớn lao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định nói chung, huyện Tuy Phước nói riêng.

Ông tin tưởng rằng, trong thời gian tới, bằng sự nỗ lực và trách nhiệm, huyện Tuy Phước cùng với Sở Văn hóa và Thể thao, cộng đồng dân cư tiếp tục thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát huy di sản Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn; tổ chức nhận diện, tư liệu hóa di sản, phục hồi các thành tố đã mai một; xây dựng các chương trình giáo dục, giới thiệu, quảng bá di sản gắn với phát triển du lịch. Tôn vinh các cá nhân, cộng đồng có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, thực hành, bảo vệ và phát huy giá trị di sản, để di sản Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn tiếp tục được bảo tồn và lan toả, tạo ấn tượng mạnh mẽ, mời gọi du khách đến với Tuy Phước hiền hoà, thắm đượm tình người - vùng đất giàu trầm tích văn hóa đang chuyển mình phát triển mạnh mẽ cùng với tỉnh nhà và cả nước.

Tại buổi lễ, đồng chí Nông Quốc Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL - ngoài cùng bên phải), cùng đồng chí Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh (ngoài cùng bên trái) đã trao Bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia “Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn” cho lãnh đạo UBND huyện Tuy Phước.

Từ những năm 1610, khi Cảng thị Nước Mặn bước vào thời kỳ phồn vinh, cùng với người Việt, người Minh Hương, cùng cộng đồng các sắc tộc cư trú từ một số vùng, miền di cư đến Nước Mặn mua bán đông đúc thì Chùa Bà được khởi dựng. Buổi đầu là một ngôi miếu đơn sơ để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của một bộ phận nhân dân. Họ thường đến đây để đi lễ, tỏ lòng cảm ơn Thiên Hậu Thánh Mẫu đã phù hộ cho họ di cư an toàn đến vùng đất mới, đồng thời cầu mong một cuộc sống sung túc, đủ đầy. Dần dần, khi đã an cư, lạc nghiệp, làm ăn phát đạt, phố cảng Nước Mặn cũng trở nên sầm uất, một số thương nhân đã đóng góp tiền của, tu bổ cho miếu thêm khang trang và to đẹp hơn. Từ đó tên gọi “Chùa Bà” ra đời. Khi các cư dân hòa nhập với cuộc sống người Việt, nhiều yếu tố văn hóa được người Việt tiếp thu và ngược lại. Chùa Bà đã trở thành tín ngưỡng chung cho cả người Việt lẫn các sắc tộc đã định cư nơi này lúc bấy giờ. Chánh điện Chùa Bà có ngai thờ thần Thành Hoàng đặt cạnh ngai thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu. Lúc này khách thập phương lui tới chùa đông đảo hơn, hình thức tín ngưỡng cũng dần lớn lên, Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn dần hình thành và được duy trì, lưu truyền cho đến ngày nay. Chùa Bà được UBND tỉnh xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2010.

 Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn 

Nghi thức rước Bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia: "Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn" vào đền thờ

Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn là một trong những lễ hội truyền thống có quy mô lớn và ra đời sớm ở Bình Định. Hàng năm, lễ hội được tổ chức trong 03 ngày (từ ngày cuối cùng của tháng Giêng âm lịch đến ngày 02 tháng Hai âm lịch). Đến nay, lễ hội đã có sự đổi mới về nội dung và hình thức cho phù hợp với tình hình mới. Lễ hội diễn ra với nhiều nghi lễ, tín ngưỡng mang tính đặc trưng của vùng cảng thị xưa như: lễ tế các vị thần linh đã phù hộ cho người đi biển, buôn bán, che chở cho đời sống tinh thần, vật chất của người dân, bảo hộ cho việc sinh sản mẹ tròn con vuông; lễ rước các biểu trưng ngư, tiều, canh, mục với những hình tượng như: người đốn cây, khai phá rừng ngập mặn; nông dân vỡ ruộng đắp bờ; ngư dân bủa lưới đánh cá; người chăn nuôi gia súc… nhằm tưởng nhớ, tôn vinh công lao khai sáng của cha ông đã biến vùng đầm lầy ven biển trở thành một đô thị thương cảng sầm uất. Ngoài ra, phần hội với nhiều trò chơi dân gian thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia. Trải qua bao đời tiếp nối gìn giữ, lễ hội trở thành nét sinh hoạt văn hóa truyền thống, mang tính cộng đồng cao của địa phương Tuy Phước. Lễ hội là sự hòa quyện và kết nối giữa hiện tại và quá khứ, là dịp để người dân hiểu nhiều hơn về vùng đất cảng thị và vai trò của Cảng thị Nước Mặn đối với đời sống kinh tế - văn hóa Bình Định qua bao thế kỷ. Các hoạt động trong lễ hội mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc về truyền thống uống nước nhớ nguồn, yêu quê hương đất nước cho các thế hệ mai sau. Từ đó khơi dậy tinh thần vươn lên trong lao động sản xuất để xây dựng vùng đất có vai trò và ý nghĩa lịch sử này thêm giàu đẹp.

Đồng chí Nông Quốc Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL - bên trái) và đồng chí Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh (bên phải) dâng hương tại Di tích Chùa Bà.

Năm nay ngoài phần lễ, Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn còn có phần hội với nhiều hoạt động phong phú như: biểu diễn múa lân, hội bài chòi cổ, biểu diễn võ cổ truyền, các trò chơi dân gian,…thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia./.


Tác giả: Đậu Thuỳ Dương

Tin nổi bật Tin nổi bật