A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội thảo “Nghề nuôi biển: Chuyển đổi từ truyền thống sang công nghiệp”

(binhdinh.gov.vn) - Sáng 14/2, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bình Định, Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) và UBND tỉnh Bình Định tổ chức hội thảo “Nghề nuôi biển: Chuyển đổi từ truyền thống sang công nghiệp”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ Diễn đàn “Phát triển ngành công nghiệp thủy sản: Khai thác bền vững – Đẩy mạnh nuôi trồng” do Báo Tuổi Trẻ khởi xướng từ tháng 10/2022 với sự đồng hành của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank).

Tham dự Hội thảo có: Ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản; PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam; Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định; đại diện lãnh đạo tỉnh Phú Yên; lãnh đạo Báo Tuổi Trẻ cùng đại diện các Sở NN&PTNT, Chi Cục thủy sản các tỉnh, thành ven biển miền Trung, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, người dân đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản trong nước.

Ông Lê Xuân Trung, Phó Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Xuân Trung, Phó Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ nhấn mạnh: "Ngành thủy sản đã góp phần tạo thêm thương hiệu quốc gia cho Việt Nam. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã đạt con số kỷ lục 11 tỉ USD, nằm trong nhóm 3 nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới. Có thể nói Việt Nam đã trở thành một trong những “vựa thủy sản” lớn của thị trường toàn cầu”. Trước đây, con tôm có thể mang về cho nước ta hơn 4 tỉ USD, cá tra gần 2,5 tỉ USD… Hai mặt hàng chủ lực này đạt được trong năm 2022 chủ yếu từ nguồn nuôi trồng, chứ không phải từ khai thác, điều này cho thấy ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc. Đó là hướng phát triển căn cơ, lâu dài đã được xác định thành slogan “khai thác bền vững – đẩy mạnh nuôi trồng”.

Qua diễn đàn này, Báo Tuổi Trẻ kỳ vọng lãnh đạo Nhà nước, các cơ quan, ban ngành cùng ngồi lại, lắng nghe những khó khăn và yêu cầu gỡ khó từ người dân, góp ý của các chuyên gia về chủ trương khai thác thủy hải sản bền vững, đúng quy định; Lợi ích của việc chuyển dịch từ khai thác đánh bắt triệt để sang nuôi trồng, chế biến xuất khẩu; Tìm kiếm chính sách hỗ trợ nuôi trồng, chuyển đổi nghề nghiệp cho ngư dân đánh bắt thủy hải sản; Đưa ra những kinh nghiệm từ việc điều hành giám sát khai thác thủy hải sản bền vững cho đến hỗ trợ ngành nuôi trồng chế biến phát triển; Nắm bắt các yêu cầu, tiêu chuẩn quốc tế, tạo lợi thế cho cạnh tranh xuất khẩu… tạo động lực cho ngành nuôi trồng Việt Nam vươn lên dẫn đầu thế giới.

Với vai trò của một cơ quan truyền thông có phạm vi ảnh hưởng rộng rãi đến công chúng cả nước, Báo Tuổi Trẻ xác định sẽ tiếp tục tạo ra những diễn đàn thảo luận, đóng góp thêm tiếng nói vào mục tiêu và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có ngành công nghiệp thủy sản để góp phần biến Việt Nam trở thành “vựa thủy sản” lớn của thế giới.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Tuấn Thanh – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết: Với chiều dài bờ biển trên 134 km và có nhiều đầm phá, hệ thống vịnh, cảng, vùng biển với hơn 1.440 km2 diện tích vùng nội thủy, 40.000 km2 diện tích lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn. Đây là điều kiện tự nhiên thuận lợi cho các loài thủy sản sinh trưởng và phát triển với nhiều chủng loại phong phú, đa dạng... là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế thủy sản của tỉnh. Kinh tế thủy sản có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh: Giá trị sản xuất thủy sản năm 2022 đạt hơn 19.319 tỷ đồng chiếm 36,8% giá  trị sản xuất nông, lâm, thủy sản toàn tỉnh. Cơ cấu nông, lâm, ngư nghiệp chiếm gần 30% giá trị GDP của tỉnh, trong đó thủy sản chiếm hơn 35%. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất của ngành thủy sản bình quân 05 năm giai đoạn 2018-2022 là 3,92%/năm. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 đạt 166 triệu USD tăng 79,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Bên cạnh lĩnh vực khai thác thủy sản phát triển tốt tại Bình Định, trong những năm qua, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đã không ngừng phát triển, có những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh... Diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh hàng năm đạt khoảng 3.500 ha. Sản lượng nuôi trồng thủy sản bình quân 05 năm qua đạt khoảng 11.800 tấn/năm; riêng năm 2022 đạt 13.183 tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Ban tổ chức trao kỷ niệm chương cho các cá nhân, đơn vị đóng góp tích cực trong công tác tổ chức Hội thảo

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh cho rằng, do đặc điểm tự nhiên vùng biển của Bình Định là vùng biển hở, bị ảnh hưởng trực tiếp của gió bão; mặt khác đối với nuôi biển hở cần đầu tư vốn lớn và công nghệ nuôi hiện đại nên nuôi biển tại Bình Định chưa được các tổ chức, cá nhân quan tâm đầu tư phát triển. Đây cũng là khó khăn chung trong phát triển nuôi biển của phần lớn các tỉnh ven biển miền Trung.

Tại Hội thảo này, tỉnh Bình Định mong muốn sẽ tìm ra giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để phát triển nghề nuôi biển tại Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ tại Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Lê Xuân Trung, Phó Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ tặng hoa cho Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh

Về phía tỉnh, thực hiện quy hoạch vùng nuôi, tuyên truyền vận động nhân dân chuyển đổi nghề từ khai thác sang nuôi trồng theo hướng bền vững. Bên cạnh lợi thế, Bình Định là vùng biển hở nên mùa gió bão nuôi trồng khó, năng suất chất lượng bị ảnh hưởng rất đáng kể. Chúng tôi mong trong hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học quản lý có giải pháp để tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường nuôi bền vững.

Quang cảnh Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu từ cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia trình bày nhiều vấn đề liên quan đến việc cần phải thay đổi chính sách nuôi trồng, thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt là Nghề nuôi biển, vì sao phải chuyển đổi từ truyền thống sang công nghiệp. Tháo gỡ một số điểm nghẽn để phát triển bền vững nuôi biển Công nghiệp Việt Nam; Ứng dụng khoa học và phát triển, chuyển giao công nghệ hướng tới nuôi biển bền vững… với sự tham gia thảo luận của các nhà làm chính sách, chuyên gia, nhà khoa học, các thành phần trong xã hội để gia tăng sản lượng thủy sản, đảm bảo nguồn nguyên liệu cho chế biến, đồng thời tránh được rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu./.


Tác giả: Thùy Trang

Tin nổi bật Tin nổi bật