|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Năm 2023: Tập trung thực hiện thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt

(binhdinh.gov.vn) - Chiều ngày 28/11, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến để triển khai một số nội dung về công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Đồng chí Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Tại hội nghị, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã báo cáo khái quát về công tác BVMT trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Báo cáo cho thấy, hiện lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 1.030 tấn/ngày. Tổng lượng rác thải được thu gom, xử lý trên địa bàn tỉnh khoảng hơn 705 tấn/ngày, chiếm gần 68,5% tổng lượng rác phát sinh. Trong khi tỷ lệ thu gom rác ở khu vực đô thị đạt 82,59% thì tỷ lệ thu gom rác ở khu vực nông thôn chỉ đạt gần 52,5%. Hiện rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh sau khi thu gom được đưa về các bãi rác và xử lý bằng phương pháp chôn lấp. Tuy nhiên, trong 10 bãi rác cấp huyện, chỉ có 5 bãi rác được xây dựng đảm bảo quy cách, hợp vệ sinh. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn có 28 bãi rác do cấp xã quản lý, phần lớn không được xây dựng đảm bảo theo quy định. Đối với chất thải nguy hại công nghiệp phát sinh mỗi ngày khoảng 7,4 tấn/ngày, khối lượng được thu gom, xử lý khoảng 6 tấn, chiếm tỷ lệ 81,5%. Tổng lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 310 tấn/ngày; trong đó, khoảng 85% được tái sử dụng, còn lại được xử lý hoặc chôn lấp chung với chất thải sinh hoạt.

Bên cạnh đó, tổng khối lượng chất thải nguy hại công nghiệp phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 7,4 tấn/ngày, khối lượng chất thải nguy hại được thu gom, xử lý khoảng 6,0 tấn/ngày (chiếm tỷ lệ 81,5%). Về chất thải y tế nguy hại, tất cả đều được thu gom và xử lý đảm bảo tại các cơ sở xử lý đã được cấp phép hoạt động. Qua điều tra, tổng sản lượng nước thải sinh hoạt phát sinh tại các khu đô thị trên địa bàn tỉnh khoảng 83.702m3/ngày đêm. Trừ Quy Nhơn, các đô thị còn lại nước thải sinh hoạt đều chưa được xử lý. Khả năng thu gom nước thải về hệ thống cũng hạn chế vì các khu dân cư hiện hữu, các hộ gia đình đã xây dựng công trình tự thấm.

Về công tác quản lý môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, Sở TN&MT cho biết: Có 05/10 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động gồm Phú Tài, Long Mỹ, Nhơn Hòa, Nhơn Hội A, Nhơn Hội B đều đã có hệ thống xử lý nước thải với tổng công suất 2.200 m3/ngày. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 47 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động. Trong đó, 11 cụm công nghiệp do tư nhân đầu tư thực hiện công tác BVMT đồng bộ hơn.

Về công tác quản lý môi trường trong hoạt động chăn nuôi, Sở TN&MT đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và các sở, ngành liên quan và các địa phương tăng cường kiểm tra, hướng dẫn công tác BVMT trong hoạt động chăn nuôi. Theo đó, đã xây dựng, lắp đặt trên 53.700 công trình biogas để xử lý chất thải đối với hoạt động chăn nuôi quy mô nông hộ và hơn 60% trang trại quy mô lớn đã đầu tư các công trình xử lý chất thải bổ sung sau bể biogas. Một số cơ sở chăn nuôi áp dụng công nghệ cao và sử dụng các chế phẩm sinh học để hạn chế mùi hôi, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn nuôi…

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh: Công tác BVMT là một trong những nhiệm vụ quan trọng, mang tính cấp bách của tỉnh. Tỉnh phải làm tốt hơn công tác BVMT để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cùng với đó, thực hiện tốt công tác BVMT sẽ góp phần nâng cao chất lượng sống của mỗi chúng ta, đảm bảo sự phát triển bền vững trong tương lai.  

Công tác BVMT là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; trong đó, cán bộ, công chức, viên chức phải là người nêu gương trong việc thực hiện nhiệm vụ này. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phải chịu trách nhiệm về công tác BVMT trước Tỉnh ủy, HĐND, UBND và nhân dân tại địa phương. Các sở, ban, ngành liên quan thực hiện công tác BVMT theo lĩnh vực mình quản lý.

Trước mắt, trong năm 2023, tập trung thực hiện thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Sở TN&MT khẩn trương thảo luận, thống nhất với các địa phương trong tỉnh phương án để triển khai thực hiện. Trên cơ sở phương án chung đã được UBND tỉnh thông qua, các địa phương xây dựng phương án cụ thể của địa phương mình; trong đó, tập trung vào các nội dung: tăng tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt, tăng tần suất thu gom rác, phấn đấu đạt tần suất 01 lần/ngày ở khu vực đô thị và 2 ngày/lần ở khu vực nông thôn, thí điểm triển khai phân loại rác ngay từ hộ gia đình ở khu vực đô thị, quy hoạch lại hệ thống các khu xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, khuyến khích xã hội hóa các hoạt động thu gom và xử lý rác thải.

Đồng chí Phạm Anh Tuấn yêu cầu Sở TN&MT rà soát lại các phương án quản lý, thu gom rác thải, nước thải để phối hợp với các sở, ngành liên quan định hướng giải pháp đầu tư xây dựng các bãi xử lý rác thải đạt chuẩn tại 3 vùng của tỉnh, gồm: Khu vực phía Bắc tỉnh (TX Hoài Nhơn là trung tâm), phía Nam tỉnh (TP Quy Nhơn là trung tâm) và phía Tây tỉnh (huyện Tây Sơn là trung tâm).

Đối với công tác thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt đô thị, Sở TN&MT xây dựng phương án cụ thể, mang tính định hướng; các địa phương xây dựng phương án của địa phương mình và phải có sự thống nhất của Sở TN&MT trước khi trình cấp có thẩm quyền. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Xây dựng rà soát, báo cáo về công tác quản lý nước thải đô thị; trong đó, lưu ý: các khu đô thị mới, các khu tái định cư mới phải đầu tư hệ thống thoát nước thải riêng và hệ thống xử lý nước thải; các khu đô thị cũ từng bước đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt.  

Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT, các địa phương thống nhất phương án quản lý, giám sát việc xử lý rác thải vật tư nông nghiệp, bao bì thuốc bảo vệ thực vật.

Sở TN&MT chủ trì xây dựng các tiêu chí, kế hoạch hành động, phương án cụ thể và kiểm tra, giám sát, đánh giá về công tác quản lý chung. Sở TN&MT phối hợp với Sở Nội vụ rà soát lại đội ngũ cán bộ cho làm công tác môi trường cấp xã; xây dựng kế hoạch đào tạo, tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ quản lý BVMT cho đội ngũ này.

Sở Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng mức chi ngân sách cho công tác BVMT. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương phải đảm bảo kinh phí thường xuyên đầu tư, bổ sung vào danh mục đầu tư công một số dự án xử lý rác, xe thu gom rác; kiểm tra việc sử dụng ngân sách đảm bảo đúng quy định.

Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, đề xuất ứng dụng công nghệ trong BVMT và xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh. Sở NN&PTNT rà soát Chương trình mục tiêu Quốc gia về nông thôn mới, trong đó chú trọng việc thực hiện tiêu chí BVMT và thu gom, xử lý rác thải. Sở Thông tin và Truyền thông quản lý tốt công tác truyền thông về BVMT; phối hợp với Sở TN&MT về ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý môi trường. Sở Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu để lồng ghép nội dung về BVMT vào các tiết học ngoại khóa từ bậc tiểu học.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cũng đề nghị Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Tỉnh đoàn, các hội đoàn thể tham gia truyền thông về BVMT và vận động hội viên, đoàn viên thực hiện hiệu quả công tác này./.


Tác giả: Kim Loan

Tin nổi bật Tin nổi bật