|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngành Giáo dục tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024

(binhdinh.gov.vn) - Chiều 18/8, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Hội nghị. Cùng tham dự Hội nghị có các đồng chí: Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam và lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Dự tại điểm cầu Bình Định có các đồng chí: Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các Sở, ngành, địa phương liên quan.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Bình Định

Năm học 2022-2023 là một năm học nhiều khó khăn và thách thức với ngành Giáo dục, khi vừa phải tiếp tục cùng với cả nước khắc phục, nỗ lực vượt qua khó khăn do hậu quả của đại dịch COVID-19, vừa phải củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo. Đây cũng là năm học đầu tiên ngành Giáo dục triển khai tổ chức dạy học môn Tiếng Anh, Tin học theo Chương trình Giáo dục phổ thông đối với lớp 3 và triển khai Chương trình giáo dục phổ thông đối với cấp trung học phổ thông.

Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp hiệu quả của các ban, bộ, ngành Trung ương và các cấp uỷ Đảng, chính quyền các địa phương; sự ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân; đặc biệt là sự quyết tâm, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, sự cố gắng, nỗ lực của các em học sinh, sinh viên, học viên, toàn ngành Giáo dục đã hoàn thành kế hoạch năm học với nhiều kết quả tích cực.

Chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn tiếp tục nâng lên, được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, thí sinh tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế đạt thành tích cao. Toàn quốc tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2023 đảm bảo nghiêm túc và an toàn; kết quả thi bảo đảm khách quan để xét công nhận tốt nghiệp và cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng để tuyển sinh. Đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục phát triển cả về số lượng và chất lượng…

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện kế hoạch năm học 2022-2023 vẫn còn một số khó khăn, tồn tại, hạn chế như: Tình trạng thiếu giáo viên; tình trạng thiếu trường lớp, quá tải các trường học tại các thành phố lớn, các khu đông dân cư; công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý, kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, học sinh còn chưa thực sự hiệu quả; tình trạng bạo lực học đường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học vẫn còn xảy ra gây bức xúc trong dư luận... Đồng thời, vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn khác cần tiếp tục được nhận diện và có giải pháp phù hợp để khắc phục trong thời gian sắp tới.

Năm học 2023-2024, ngành Giáo dục tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; với chủ đề năm học 2023-2024 “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới theo chiều sâu, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”.

Tại Bình Định, trong năm học 2022-2023, ngành Giáo dục của tỉnh duy trì và giữ vững chất lượng công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học; chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở ở địa bàn vùng núi, vùng sâu, vùng xa được nâng lên. Chất lượng  giáo dục đại trà được giữ vững: số lượng học sinh lớp 5 được công nhận hoàn thành Chương trình giáo dục tiểu học đạt tỉ lệ 99,98%; số lượng học sinh lớp 9 được công nhận tốt nghiệp THCS đạt tỉ lệ 99,82%. Tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 98,79% (tăng 0,36% so với năm học trước). Phổ điểm tốt nghiệp THPT xếp thứ 2 trong Cụm thi đua số 3 gồm 10 tỉnh miền Trung và tây Nguyên, xếp thứ 25 so với toàn quốc. Chất lượng giáo dục mũi nhọn cũng được nâng lên. Toàn tỉnh có 36 học sinh giỏi quốc gia (tăng 02 giải so với năm học 2021-2022).

Bên cạnh đó, ngành GD&ĐT hoàn thành tốt công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2023-2024; đang khẩn trương chuẩn bị nhân lực, cơ sở vật chất để triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 và tổ chức thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ trọng tâm, có chất lượng, tiếp tục chỉ đạo việc dạy - học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2006 và Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đúng lộ trình.

Tại hội nghị, đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương đã cùng nhau đánh giá toàn diện việc triển khai nhiệm vụ năm học vừa qua, những giải pháp khắc phục những vấn đề còn bất cập và các nhiệm vụ lớn để thực hiện thành công kế hoạch năm học và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của ngành Giáo dục và Đào tạo.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương những thành tựu quan trọng đạt được của ngành GD&ĐT trong năm học 2022-2023, thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm, quyết tâm, nỗ lực của toàn Ngành. Đồng thời chỉ ra những hạn chế cần tiếp tục khắc phục trong thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới; quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; tình trạng thừa, thiếu giáo viên; chính sách, chế độ đãi ngộ cho giáo viên… Cùng với đó Thủ tướng đã chỉ rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế và bài học kinh nghiệm.

Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển GD&ĐT phải gắn với nhu cầu phát triển KT-XH và bảo vệ Tổ quốc; với tiến bộ KHCN; phù hợp quy luật khách quan; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự chủ động, sáng tạo của Nhân dân và toàn xã hội. Các cơ chế, chính sách về GD&ĐT phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo.

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta; là vấn đề đặc biệt quan trọng, phức tạp, nhạy cảm, có phạm vi tác động lớn nên cần đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện. Trong quá trình đổi mới, cần kế thừa, phát huy những thành tựu, phát triển những nhân tố mới, tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của thế giới phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam; kiên quyết chấn chỉnh những nhận thức, việc làm lệch lạc. Đổi mới phải bảo đảm tính hệ thống, tầm nhìn dài hạn, phù hợp với từng loại đối tượng và cấp học; các giải pháp phải đồng bộ, khả thi, có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình, bước đi phù hợp. Công tác xây dựng và triển khai kế hoạch đổi mới giáo dục đào tạo phải được thực hiện khoa học, bài bản, kĩ lưỡng, bảo đảm tính khả thi, sát thực tiễn.

GD&ĐT phải bám sát tư tưởng: lấy học sinh làm trung tâm, nhà trường là nền tảng, giáo viên là động lực; vận hành hiệu quả mối quan hệ “Nhà trường, Học sinh, và Giáo viên”; đổi mới mạnh mẽ tư duy từ trang bị kiến thức sang trang bị năng lực, phẩm chất toàn diện cho học sinh.

Về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời thể chế, cơ chế, chính sách, hoàn thiện hành lang pháp lý thuận lợi để thực hiện đổi mới GD&ĐT, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục, trong đó ưu tiên xây dựng Luật Nhà giáo; Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 và sớm công bố Phương án thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018. Đặc biệt Thủ tướng yêu cầu, Tổ chức tốt việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018 phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đặt ra; Xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với ngũ giáo viên phù hợp; Đẩy mạnh tự chủ giáo dục và tiếp tục rà soát, kiểm tra việc quy hoạch xây dựng, bảo đảm quỹ đất phù hợp để xây dựng trường, lớp học; Tăng cường thông tin truyền thông về những chủ trương, đường lối, chính sách đổi mới giáo dục, tạo sự đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân; Có giải pháp hiệu quả phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao để nâng cao năng suất lao động.

Bên cạnh đó, Thủ tướng giao các bộ ngành, địa phương phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải pháp tài chính hỗ trợ giáo viên vùng sâu, vùng xa; tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt về đường truyền internet tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo để bảo đảm triển khai nhiệm vụ; kiểm tra, rà soát tình hình tuyển dụng biên chế giáo viên bổ sung cho các địa phương giai đoạn 2022 – 2026.

Thủ tướng nhấn mạnh, dân tộc Việt Nam là một dân tộc hiếu học và có truyền thống hiếu học. Chính vì vậy, giáo dục luôn được cả xã hội quan tâm, các thầy giáo, cô giáo đang mang trên mình trọng trách “dạy chữ, dạy người” cho thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước. Mỗi cán bộ công chức, viên chức làm công tác giáo dục, đào tạo; mỗi thầy cô giáo, mỗi học sinh, sinh viên, cần nỗ lực, quyết tâm vượt qua khó khăn, thi đua dạy tốt, học tốt, nâng cao chất lượng công tác quản lý, đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh; phát triển toàn diện về trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất và năng lực công dân; đặc biệt chú trọng và quan tâm giáo dục lý tưởng, nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật, ý thức công dân trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Mỗi cháu học sinh, sinh viên cần nỗ lực phấn đấu, học tập và rèn luyện; tích cực, tự giác, chủ động và sáng tạo nhiều hơn trong các hoạt động giáo dục và học tập. Phải biết đoàn kết, thương yêu, đùm bọc nhau; không ngừng rèn luyện để trở thành con ngoan trò giỏi, không phụ công nuôi dưỡng của gia đình, sự dạy dỗ của các thầy cô cũng như kỳ vọng của xã hội.

Trước thềm năm học mới 2023-2024, Thủ tướng chúc các cán bộ làm công tác quản lý, các thầy giáo, cô giáo luôn phát huy lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm và nhiệt huyết với nghề, khắc phục mọi khó khăn, kiên trì mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng được sự mong đợi của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển hùng cường, thịnh vượng của đất nước.


Tác giả: Trang Lê

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật