A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sơ kết 01 năm thực hiện việc tháo gỡ “điểm nghẽn” trong triển khai Đề án 06

(binhdinh.gov.vn) - Sáng 10/6, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 01 năm thực hiện việc tháo gỡ "điểm nghẽn" trong triển khai Đề án 06 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế. Dự hội nghị có các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang; các thành viên Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ.

Đồng chí Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06 của tỉnh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang dự và chủ trì tại điểm cầu Bình Định.

Hội nghị tại điểm cầu Chính phủ

Qua 01 năm triển khai Văn bản 452/TTg-KSTT của Thủ tướng Chính phủ, nhận thức, hành động của các cấp, các ngành về chuyển đổi số nói chung, thực hiện Đề án 06 nói riêng cơ bản có sự chuyển biến tích cực; các cấp, các ngành và địa phương đã nhìn nhận rõ hơn về thực trạng hạ tầng, nhân lực, dữ liệu, an ninh an toàn và yêu cầu hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu thực hiện Đề án 06. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt để tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong triển khai Đề án 06, mục tiêu là triển khai có hiệu quả, đúng tiến độ Đề án.

Theo báo cáo của Bộ Công an, qua 01 năm triển khai thực hiện các cấp, các ngành đã đơn giản hóa 763/1.084 thủ tục hành chính (TTHC) được giao tại 19 nghị quyết chuyên đề của Chính phủ (đạt 70%), trong đó, có 7/19 bộ, ngành đã thực hiện 100% phương án đơn giản hóa.

Tính đến hết tháng 4/2024, Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã cung cấp 4.510 dịch vụ công trực tuyến (chiếm 71,7% trong tổng số 6.287 TTHC), Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến ở địa phương đạt 47,8%, tăng gần 22% so với cùng kỳ năm 2023; ở bộ, ngành đạt gần 50%, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Tỷ lệ thanh toán trực tuyến ở bộ, ngành đạt hơn 24%; ở địa phương đạt hơn 43% trên tổng số hồ sơ có yêu cầu nghĩa vụ tài chính.

Đến nay, Bộ Công an đã cấp trên 86 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp và thu nhận trên 75 triệu hồ sơ định danh điện tử, kích hoạt gần 54 triệu tài khoản và tỷ lệ kích hoạt đạt trên 71%. Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tại các bộ, ngành đạt 25,6% và các địa phương đạt gần 30%.

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bình Định

Cũng sau 01 năm triển khai đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế theo Chỉ thị 18/CT-TTg ngày 30 tháng 5 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ, công tác quản lý thuế cả nước đã có những chuyển biến tích cực, nhiều cá nhân kinh doanh online tự giác đăng ký, kê khai nộp thuế. Cơ quan thuế địa phương đã hỗ trợ tối đa, tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo thực hiện 100% các thủ tục thuế bằng điện tử mà không phải trực tiếp với cơ quan thuế theo hình thức truyền thống.

Theo số liệu đến năm 2024, cả nước đã có 123.759 tổ chức và cá nhân hoạt động kinh doanh thương mại điện tử thuộc diện quản lý của cơ quan thuế. Trong 05 tháng đầu năm 2024, ngành thuế đã chỉ đạo các cơ quan thuế địa phương đưa vào diện rà soát, đôn đốc, hỗ trợ kê khai nộp thuế đối với 30.770 trường hợp, trong đó doanh nghiệp là 1.838, cá nhân là 28.932; số thuế đã nộp trên 50 nghìn tỷ đồng…

Tham luận tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương tập trung đánh giá kết quả đã đạt được sau 01 năm thực hiện Đề án 06 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử chống thất thu thuế và đề xuất những giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

Tại Bình Định, sau hơn 01 năm thực hiện các giải pháp Chính phủ đề ra phát huy rất hiệu quả, đặc biệt là việc hình thành cơ chế chia sẻ cơ sở dữ liệu về TMĐT, kết quả thu được khả quan. Cụ thể, số thuế quản lý được từ hoạt động TMĐT, kinh doanh số năm 2023 là 65 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với năm 2022; 5 tháng đầu năm 2024 đã quản lý được 63 tỷ đồng. Tuy nhiên, quá trình quản lý thuế từ hoạt động TMĐT đã phát sinh nhiều “điểm nghẽn” cần tháo gỡ, như: Chưa có quy định tiêu chí đặc thù để phân biệt hoạt động TMĐT dẫn đến không thể bao quát hết các hoạt động và thông tin các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động TMĐT trên nền tảng số. Bên cạnh đó, pháp luật chuyên ngành thuế chưa có cơ chế kiểm soát và chế tài đối với trách nhiệm cung cấp thông tin của các sàn TMĐT; cũng như việc ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động TMĐT còn thấp, mặc dù các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan thuế đã tuyên truyền, hướng dẫn và cảnh báo.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã biểu dương đánh giá cao sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện việc tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong triển khai Đề án 06 tại Văn bản 452/TTg-KSTT ngày 23 tháng 5 năm 2023 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế theo Chỉ thị 18/CT-TTg ngày 30 tháng 5 năm 2023 trong 01 năm qua.

Để hoàn thành các mục tiêu phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã đề ra đến năm 2025 nói chung và triển khai hiệu quả Đề án 06 nói riêng, nhiệm vụ, giải pháp đặt ra trong thời gian tới Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung nguồn lực xử lý dứt điểm các “điểm nghẽn” của Đề án 06 đã được chỉ ra tại Hội nghị; tập trung nguồn lực đẩy nhanh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện nghiêm việc ký số, gửi nhận văn bản và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử tại các cấp chính quyền; thực hiện tích hợp thông tin vào thẻ căn cước theo quy định; rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung dữ liệu của hệ thống thông tin do bộ, ngành quản lý với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng các Bộ, cơ quan liên quan thống nhất kế hoạch chi tiết về việc kết nối, chia sẻ dữ liệu nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và các mô hình kinh doanh trên nền tảng công nghệ số trong nước và xuyên biên giới.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc phối hợp với cơ quan thuế, hỗ trợ về nhân lực và kinh phí triển khai các giải pháp quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử; triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền để quản lý lĩnh vực bán lẻ trực tiếp đến người tiêu dùng; triển khai chương trình hóa đơn may mắn nhằm khuyến khích người tiêu dùng lấy hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ; triển khai các chuyên đề rà soát, xử lý vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh không xuất hóa đơn theo quy định…


Tác giả: Trang Lê

Tin nổi bật Tin nổi bật