A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chỉ đạo triển khai thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên,vốn, tài sản và lao động tại các doanh nghiệp nhà nước

Ngày 27/9/2013, UBND tỉnh ban hành Văn bản số 4000/UBND-TH về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, vốn, tài sản và lao động tại các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Ảnh minh họa.

 

Theo đó, giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan rà soát tình hình sử dụng đất đai, tài nguyên rừng, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản để xác định và có phương án xử lý kịp thời những bộ phận, đơn vị đang sử dụng lãng phí, không tiết kiệm. Cương quyết xử lý hoặc đề xuất xử lý, thu hồi các diện tích đất đai, mặt nước sử dụng không đúng quy định pháp luật; sử dụng đất sai quy hoạch, lãng phí, kém hiệu quả, bỏ hoang hóa và đất lấn chiếm trái quy định.  Kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép và quản lý khai thác tài nguyên, khoáng sản; đề xuất đình chỉ hoạt động và thu hồi Giấy phép khai thác tài nguyên, khoáng sản của các doanh nghiệp gây lãng phí hoặc không bảo đảm đúng các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

 

Giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục rà soát, đề xuất việc sắp xếp và xử lý các cơ sở nhà đất còn dôi dư, sử dụng không đúng mục đích theo quy định tại Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước và Quyết định số 140/2008/QĐ-TTg ngày 21/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/01/2007.

 

Giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất các giải pháp và lộ trình thực hiện thoái vốn Nhà nước đã đầu tư vào các ngành nghề không thuộc ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp nhà nước. Hướng dẫn thực hiện nghiêm túc việc công khai trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước như: công khai các định mức, tiêu chuẩn, chế độ đã ban hành; công khai việc sử dụng ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính được giao; công khai việc mua sắm, quản lý sử dụng tài sản công. Đôn đốc các doanh nghiệp nhà nước rà soát, bổ sung các định mức kinh tế kỹ thuật về tiêu hao nguyên, nhiên, vật liệu; định mức khai thác và sử dụng máy móc, thiết bị; đơn giá tiền lương và các chi phí khác trên cơ sở đảm bảo hiệu quả kinh doanh và phù hợp với quy định của pháp luật.

 

Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn các doanh nghiệp nhà nước rà soát các quyết định đầu tư, góp vốn mở rộng kinh doanh phải phù hợp với ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp; không đầu tư dàn trải gây lãng phí, thất thoát vốn của Nhà nước; kiên quyết cắt giảm, loại bỏ các dự án kém hiệu quả, không cần thiết.  Thực hiện công khai quy hoạch, kế hoạch, danh mục các dự án đầu tư, nguồn vốn đầu tư; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đầu tư của các chủ đầu tư và công tác giải ngân vốn đầu tư xây dựng đối với các dự án đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

 

Giao Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất phương án rà soát, sắp xếp lại cơ cấu cán bộ quản lý, chủ chốt trong doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm gọn nhẹ, có hiệu lực, hiệu quả và đúng số lượng theo quy định. Tham mưu công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại các chức danh lãnh đạo, quản lý hoặc đề cử người đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục và các yêu cầu khác được quy định tại Nghị định số 66/2011/NĐ-CP ngày 01/8/2011 của Chính phủ quy định việc áp dụng Luật Cán bộ, công chức đối với chức danh lãnh đạo, quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và người được cử làm đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước.

 

Giao Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất phương án, kế hoạch kiểm tra toàn diện việc thực hiện các quy định về chính sách lao động và tiền lương trong các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1436/TTg-KTTH ngày 10/9/2013. Kiên quyết xử lý hoặc đề xuất xử lý các trường hợp trả lương, thưởng không đúng đối tượng, không gắn với năng suất lao động và kết quả sản xuất kinh doanh. Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp nhà nước thực hiện đúng và đầy đủ các quy định tại Nghị định số 50/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và Nghị định số 51/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ quy định chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Kiểm soát viên, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc, Phó tổng giám đốc hoặc Phó giám đốc, Kế toán trưởng trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.

 

Giao cho Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc các doanh nghiệp nhà nước rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế, tiêu chuẩn về tuyển dụng lao động, bổ nhiệm cán bộ trong doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp chưa ban hành quy chế, tiêu chuẩn trong lĩnh vực này phải khẩn trương xây dựng để thực hiện. Rà soát, bổ sung định mức lao động, xác định các vị trí, chức danh công việc trong doanh nghiệp làm cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động có hiệu quả. Đối với doanh nghiệp chưa có định mức lao động, chưa xác định các vị trí, chức danh công việc thì phải khẩn trương xây dựng để thực hiện. Rà soát, sắp xếp lại cơ cấu cán bộ quản lý, chủ chốt trong doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm gọn nhẹ, có hiệu lực, hiệu quả và đúng số lượng theo quy định. Thực hiện công khai, dân chủ theo đúng quy định của Nhà nước về tuyển dụng lao động, bổ nhiệm cán bộ; chỉ tuyển dụng thêm lao động, bổ nhiệm cán bộ khi thực sự có nhu cầu. Công khai trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; kiên quyết xử lý hoặc đề xuất xử lý kỷ luật, miễn nhiệm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động đối với những cán bộ, công nhân viên có hành vi không tiết kiệm, gây lãng phí.

 

Bên cạnh đó, giao các Tổng công ty, công ty, doanh nghiệp có vốn nhà nước xây dựng Chương trình hành động tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên, vốn, tài sản và lao động trong doanh nghiệp. Chương trình hành động phải nêu rõ mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, mức độ khen thưởng và trách nhiệm rõ ràng đối với từng cá nhân trong từng lĩnh vực. Định kỳ hàng quý báo cáo tình hình triển khai thực hiện, gửi về Sở Tài chính trước ngày 10 tháng cuối quý. Giao Thanh tra tỉnh, Thanh tra các Sở liên quan phối hợp với Sở Tài chính  theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tổ chức thực hiện công tác thanh, kiểm tra về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực tại các doanh nghiệp nhà nước theo quy định pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và quy định pháp luật về thanh tra. Giao Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tích cực phối hợp với các Sở, ngành của tỉnh trong công tác tuyên truyền và triển khai các nội dung về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, vốn, tài sản và lao động tại các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn. Giao Sở Tài chính theo dõi, đôn đốc toàn diện và tổng hợp tình hình, kết quả triển khai thực hiện Công văn này tại các Sở, ngành, doanh nghiệp nhà nước; định kỳ hàng quý báo cáo cho Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tỉnh và UBND tỉnh trước ngày 15 tháng cuối quý để tổng hợp, báo cáo Bộ Tài chính, Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Trung ương đúng thời gian quy định.

 

Theo vpubbinhdinh.gov.vn


Tin nổi bật Tin nổi bật