A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch Cúm gia cầm

(binhdinh.gov.vn) - Nhằm tăng cường kiểm soát hoạt động xuất, nhập gia cầm và chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch Cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh; tăng cường thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT tại Công điện số 1030/CĐ-BNN-TY ngày 26/02/2023 về việc ngăn chặn tình trạng nhập lậu, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam; ngày 8/3/2023, UBND tỉnh ban hành Văn bản số 1216/UBND-KT yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ:

Ảnh minh họa

Theo đó, quán triệt triển khai đầy đủ các nội dung Công điện số 1030/CĐ-BNN ngày 26/02/2023 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Công điện số 258/CĐ-BYT ngày 27/02/2023 của Bộ Y tế và chỉ đạo của UBND tỉnh tại Quyết định số 1115/QĐ-UBND ngày 31/03/2021 về việc ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh Cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch số 07/KH-UBND ngày 18/01/2023 về Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2023 trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Y tế theo chức năng nhiệm vụ phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Bình Định tổ chức thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động giám sát ở người, ở gia cầm có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, kịp thời báo cáo chính quyền địa phương, cơ quan y tế, thú y để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; hợp tác với cơ quan Y tế, Thú y trong khai báo kịp thời dịch bệnh.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và PTNT tăng cường phối hợp với các địa phương kiểm tra công tác tổ chức quản lý chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh Cúm gia cầm và các dịch bệnh động vật nguy hiểm trên địa bàn. Chủ động sẵn sàng phối hợp ngành Y tế và các địa phương tổ chức chống dịch (khi xảy ra). Đồng thời, đề xuất hỗ trợ thuốc sát trùng cho các địa phương tổ chức vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường phòng, chống dịch bệnh. Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phân công lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật đứng chân địa bàn hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác quản lý chăn nuôi, tái đàn, tiêm phòng và giám sát dịch bệnh. Tổ chức thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch tại gốc. Tăng cường hoạt động kiểm tra, phúc kiểm tại các chốt kiểm dịch động vật; nhất là kiểm soát các phương tiện vận chuyển gia cầm, lợn vào địa bàn tỉnh; đề nghị lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp khi cần thiết. Đồng thời, tăng cường phối hợp kiểm tra hoạt động giết mổ, mua bán động vật, sản phẩm động vật tại các địa phương. Báo cáo kịp thời, đầy đủ, chính xác tình hình dịch bệnh qua Hệ thống thông tin dịch bệnh động vật trực tuyến (VAHIS) theo quy định; tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo, giấu dịch, làm lây lan dịch bệnh. Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện nhân lực, trang thiết bị, vật tư chống dịch để hỗ trợ các địa phương (khi xảy ra); phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trong công tác tuyên truyền, chia sẻ thông tin, tập huấn, điều tra dịch tễ, giám sát dịch bệnh Cúm gia cầm.

Sở Y tế  quán triệt, tổ chức triển khai đầy đủ các nội dung theo chỉ đạo của Bộ Y tế tại Công điện số 258/CĐ-BYT ngày 27/2/2023 về việc tăng cường công tác phòng, chống Cúm gia cầm lây sang người. Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và Cơ quan Y tế địa phương chủ động phối hợp Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố trong công tác tuyên truyền, chia sẻ thông tin, điều tra dịch tễ, giám sát và tổ chức phòng chống dịch Cúm gia cầm; theo dõi, kiểm tra sức khỏe lực lượng tham gia phòng, chống dịch Cúm gia cầm; phát huy hiệu quả quy chế phối hợp theo Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNN&PTNT ngày 27/5/2013 giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Y tế.

Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông và Công an các địa phương phối hợp lực lượng thú y trong công tác kiểm dịch động vật tại các trạm kiểm dịch đầu mối giao thông, kiểm tra hoạt động vận chuyển, mua bán, giết mổ động vật, sản phẩm động vật và xử lý các trường hợp vi phạm.

Cục quản lý thị trường tỉnh (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh) phối hợp với cơ quan Thú y và ngành chức năng liên quan tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, mua bán động vật, sản phẩm động vật; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp mua bán động vật, sản phẩm động vật không dấu kiểm soát giết mổ, không rõ nguồn gốc theo quy định.

UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, giám sát dịch bệnh gia cầm và kiểm soát hoạt động xuất nhập gia cầm ra vào địa bàn. Tập trung tổ chức tiêm phòng vaccine Cúm gia cầm trên địa bàn; chú trọng tiêm phòng trên đối tượng gia cầm nuôi tại các hộ nhỏ lẻ, đảm bảo tỷ lệ theo quy định. Ngân sách huyện, thị xã, thành phố cân đối hỗ trợ kinh phí cho hoạt động của Tổ tiêm phòng, Tổ kiểm tra, giám sát và các công tác tổ chức khác…để phục vụ tốt cho công tác phòng chống dịch bệnh tại địa phương. Chủ động sẵn sàng tổ chức chống dịch khi xảy ra tại địa phương theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT. Thành lập Tổ kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra công tác tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh; kiểm tra hoạt động giết mổ, mua bán động vật, sản phẩm động vật tại các chợ và điểm giết mổ; chú trọng đối tượng gia cầm; chấn chỉnh hoạt động mua bán gia cầm sống, giết mổ gia cầm tại các chợ nội thành, nội thị và xử lý nhiêm các trường hợp vi phạm. Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn giao trách nhiệm cho thú y cơ sở và Trưởng thôn theo dõi, giám sát dịch bệnh; phát hiện và báo cáo nhanh dịch bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời. Chủ động tổ chức triển khai công tác tiêm phòng và phòng, chống dịch bệnh động vật, khai báo chăn nuôi tại địa phương. Duy trì tiêm phòng bổ sung vaccine phòng bệnh Cúm gia cầm cho các đối tượng gia cầm nuôi mới, tái đàn, đảm bảo đủ liều, đủ mũi theo quy định.

Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh, các hội, đoàn thể tỉnh chỉ đạo các cấp trực thuộc chủ động phối hợp chính quyền địa phương tăng cường vận động, tuyên truyền hội viên chấp hành tiêm phòng và thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học; sử dụng sản phẩm động vật có nguồn gốc, không bị dịch bệnh… góp phần bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng và phát triển chăn nuôi bền vững.


Tác giả: Trang Lê

Tin nổi bật Tin nổi bật