Đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết
Các ca SXH được ghi nhận nhiều nhất ở trẻ em (Ảnh minh họa).
Theo báo cáo Sở Y tế, tính đến ngày 31/12/2015, toàn tỉnh đã ghi nhận 2.726 trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue, tử vong 5 trường hợp, số mắc tháng 12/2015 tăng 209 ca so với tháng 11. Trước tình hình đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND thành phố Quy Nhơn và UBND các huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, địa phương quyết liệt thực hiện các nội dung tại Công văn số 6093/UBND-VX ngày 22/12/2015 của UBND tỉnh; Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn khẩn trương huy động lực lượng ra quân thực hiện Chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy, muỗi, thành lập đội xung kích tập trung kiểm tra, xử lý dứt điểm, triệt để các ổ lăng quăng/bọ gậy ở khu vực trọng điểm, hộ gia đình và cộng đồng; Xây dựng, ban hành và triển khai khẩn cấp kế hoạch phòng chống dịch XSH phù hợp, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục phòng chống dịch, đa dạng hóa các hình thức truyền thông; Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan y tế đảm bảo không bỏ sót hộ dân nào trong xử lý phun hóa chất diệt muỗi. Ngoài ra, các địa phương cần cắt giảm, tiết kiệm các khoản chi phí hội họp, tiếp khách... để cân đối, bổ sung kinh phí cho công tác phòng, chống dịch SXH theo phân cấp ngân sách.
Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt Công văn 6093 nêu trên, khẩn trương tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh SXH Dengue năm 2016; Tăng cường hơn nữa công tác truyền thông, giáo dục phòng, chống dịch bệnh SXH Dengue, cung cấp kịp thời thông tin tình hình dịch và nội dung tuyên truyền sâu rộng từ cơ quan chức năng và toàn xã hội biết, thực hiện; Chỉ đạo Trung tâm Y tế Dự phòng tăng cường lực lượng kiểm tra, kiểm soát công tác phòng chống tại các địa phương. Kịp thời chỉ đạo quyết liệt các vấn đề thuộc lĩnh vực chuyên môn, đồng thời báo cáo UBND tỉnh giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác phối hợp và thực hiện tại địa phương; Tổ chức đánh giá công tác tiếp nhận, điều trị, tình trạng bệnh và nguyên nhân tử vong, phổ biến cho các cơ sở khám chữa bệnh nhằm rút kinh nghiệm trong điều trị, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong; Tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật, đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch SXH phù hợp, hiệu quả; Phối hợp Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục bổ sung kinh phí đảm bảo đáp ứng tốt nhất công tác phòng chống dịch và điều trị bệnh nhân bị mắc SXH.
Phun hóa chất diệt trừ muỗi, đặc biệt ở khu vực trọng điểm tại nhà dân. (Ảnh minh họa)
Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Bình Định và các sở, ban, ngành liên quan tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung tại Công văn 6093 đã nêu; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân và các hội, đoàn thể tiếp tục chỉ đạo các hội, đoàn thể trực thuộc huy động lực lượng, chủ động phối hợp với các cấp chính quyền địa phương, ngành Y tế đẩy mạnh công tác truyền thông, tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch SXH để bảo vệ sức khỏe nhân dân, sớm khống chế, tiến tới dập tắt dịch bệnh SHX trên địa bàn tỉnh./.
T.T.T