A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kết quả thực hiện công tác phòng, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) trên địa bàn tỉnh 8 tháng năm 2021

(binhdinh.gov.vn) - Với quyết tâm triển khai thực hiện tốt Luật Thủy sản và các giải pháp cấp bách khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo qui định (IUU), thời gian qua các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định tập trung tăng cường tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho nguời dân về các quy định pháp luật liên quan; đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, quản lý khai thác thủy sản, tàu cá ra vào cảng; theo dõi, giám sát tàu cá hoạt động trên biển; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài theo quy định;... Nhờ đó, công tác khắc phục "thẻ vàng" IUU trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực.

Tỉnh Bình Định có chiều dài bờ biển 134 km cùng với vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn, toàn tỉnh có 3 tụ điểm nghề cá tập trung tại 3 cửa biển là Cảng cá Quy Nhơn, cảng cá Đề Gi và cảng cá Tam Quan. Toàn tỉnh hiện có khoảng 5.953 tàu cá có chiều dài từ 6 m trở lên được cấp đăng ký tàu cá theo quy định (vùng ven bờ: 1.589 tàu, vùng lộng: 1.124 tàu, vùng khơi: 3.240 tàu) với khoảng 40% tàu cá di chuyển ngư trường đánh bắt chủ yếu ở các tỉnh phía Nam.

Trong 8 tháng năm 2021, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về chống khai thác IUU được các ngành, các địa phương chú trọng triển khai thực hiện. Toàn tỉnh đã tổ chức 05 Hội nghị triển khai Luật Thủy sản, Chỉ thị số 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thi hành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, ngành Trung ương; tổ chức 75 lớp tập huấn tuyên truyền cho khoảng 5.000 lượt chủ tàu/thuyền trưởng tham dự; xây dựng 10 pano tuyên truyền tại các cảng cá: Tam Quan, Quy Nhơn, Đề Gi và các xã/phường ven biển; đã phát trên 6.000 tờ rơi cho các chủ tàu, dán trên các tàu cá khai thác thủy sản; xây dựng 30 phóng sự, bài viết tuyên truyền phổ biến rộng rãi cho ngư dân, doanh nghiệp, người làm công tác quản lý thủy sản tại các địa phương biết, thực hiện.

Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho ngư dân, công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá được triển khai quyết liệt. Đến nay, 100% tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên của tỉnh hoạt động khai thác vùng khơi đã được trang bị thiết bị giám sát hành trình theo quy định. UBND tỉnh đã phê duyệt kinh phí hỗ trợ trang, thiết bị giám sát hành trình cho các tàu cá với tổng số tiền 30,1 tỷ đồng. Công tác quản lý hệ thống giám sát hành trình tàu cá từng bước đi vào nền nếp; đã tổ chức trực hệ thống Trạm bờ 24/24 để theo dõi, tiếp nhận thông tin, phát hiện và xử lý tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển, không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển. Qua hệ thống giám sát tàu cá tại Trạm bờ, đã kịp thời phát hiện và thông báo các trường hợp tàu cá vượt ranh giới cho phép và tàu cá mất tín hiệu kết nối trên biển trên 10 ngày, góp phần giảm thiểu tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Bốc dở cá tại Cảng cá Quy Nhơn

Toàn tỉnh có 5.960 tàu cá chiều dài từ 6 mét trở lên đã được cấp phép khai thác thủy sản theo quy định. Mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều cố gắng trong việc phối hợp tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, nhưng tình trạng tàu cá hoạt động không có giấy phép khai thác thủy sản vẫn còn, chủ yếu tại các vùng bãi ngang, vùng đầm nơi ít có sự tuần tra kiểm soát của lực lượng chức năng.

Từ đầu năm 2021 đến nay, tại các cảng cá trên địa bàn tỉnh có 9.734 lượt tàu rời cảng; 8.713 lượt tàu cập cảng; 8.605 lượt tàu cập cảng bốc dỡ thủy sản. Công tác kiểm tra tàu cá rời cảng, cập cảng, giám sát sản lượng tàu cập cảng và xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT và Thông tư 13/2021/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, công tác khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh 8 tháng năm 2021 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, trong đó đáng lưu ý vẫn còn tình trạng tàu cá khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài. Toàn tỉnh có 16 tàu/97 thuyền viên bị các nước trong khu vực bắt giữ, toàn bộ các tàu cá này đều xuất bến ngoài tỉnh và hàng năm không về địa phương. UBND tỉnh đã chỉ đạo thu hồi Giấy phép khai thác thủy sản của tất cả các tàu cá vi phạm; gửi văn bản đề nghị Tổng cục Thủy sản đăng công khai trên website về danh sách các tàu khai thác bất hợp pháp; loại khỏi danh sách hưởng hỗ trợ theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, đã chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền địa phương xác minh, xử lý nghiêm tất cả các tàu cá bị nước ngoài bắt giữ theo quy định.

Thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện các giải pháp tháo gỡ “thẻ vàng” IUU, UBND tỉnh đã và đang chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành và UBND các địa phương liên quan tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau: (i) Tiếp tục tổ chức tuyên tuyền, phổ biến các quy định của Luật Thủy sản, Chỉ thị 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thi hành; trong đó, đặc biệt là Nghị định 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản để ngư dân biết, thực hiện. (ii) Tập trung rà soát, khoanh vùng, lập danh sách các đối tượng, nghề khai thác, các địa bàn trọng điểm tại địa phương có tàu cá vi phạm hoặc có nguy cơ vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài để tăng cường công tác theo dõi, nắm tình hình, triển khai đồng bộ các giải pháp về dân vận cơ sở, tuyên truyền, vận động cộng đồng ngư dân và các thành phần có liên quan không thực hiện hành vi vi phạm, đề cao tinh thần ngăn chặn, tố giác các hành vi vi phạm. (iii) Tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát toàn bộ việc thực hiện Quy trình tiếp nhận thông tin, xử lý dữ liệu giám sát hành trình đối với tàu cá Bình Định có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên vượt ranh giới cho phép trên biển, không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển; kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định các cá nhân cố tình đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. (iv) Thống kê, lập danh sách tàu cá (hoạt động dài ngày trên biển, thường xuyên xuất, nhập bến tại các địa phương khác (nhất là các tỉnh ở phía Nam), tàu cá bị cảnh báo, các tàu cá tắt thiết bị giám sát hành trình có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài thông báo cho các đơn vị có liên quan để kiểm tra, kiểm soát và xử lý theo quy định của pháp luật khi tàu xuất, nhập bến. (v) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trên biển, tại các cảng cá, tập trung vào đối tượng thường có hành vi khai thác bất hợp pháp, vùng biển, khu vực thường xuyên có hành vi vi phạm để xử lý nghiêm các hành vi khai thác IUU. Tăng cường công tác kiểm tra tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng tại cảng cá và thực hiện việc xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác theo đúng quy định. (vi) Tăng cường vận động ngư dân cam kết không hoạt động khai thác thuỷ sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Xác minh, củng cố hồ sơ xử lý nghiêm các trường hợp tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ theo quy định./.

Tấn Hùng


Tin nổi bật Tin nổi bật