A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quy định khung giá các loại rừng trên địa bàn tỉnh

(binhdinh.gov.vn) - UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định 56/2021/QĐ-UBND quy định khung giá các loại rừng trên địa bàn tỉnh Bình Định. Quyết định này gồm 07 điều, theo đó quy định áp dụng cho các đối tượng là các cơ quan Nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cộng đồng dân cư có hoạt động liên quan đến phương pháp định giá rừng, khung giá rừng trên địa bàn tỉnh. Cụ thể như sau:

Ảnh minh họa

1. Định giá rừng trong trường hợp khi Nhà nước thu hồi rừng, thanh lý rừng; trường hợp làm cơ sở để tính các loại thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.

a) Rừng tự nhiên: Giá trị thu hồi, giá trị khi thanh lý rừng; giá trị làm cơ sở tính các loại thuế, phí, lệ phí chỉ được tính bằng giá quyền sử dụng rừng (Gsd) mà không tính giá trị cây đứng (G) trong cơ cấu giá rừng tự nhiên.

b) Rừng trồng: Giá trị thu hồi, giá trị khi thanh lý rừng trồng; giá trị làm cơ sở để tính các loại thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật chỉ được tính bằng thu nhập dự kiến mà không tính giá trị đã đầu tư tạo rừng trong cơ cấu giá rừng trồng.

2. Định giá rừng trong trường hợp góp vốn; cổ phần hóa Doanh nghiệp Nhà nước, thoái vốn Nhà nước.

a) Rừng tự nhiên: Giá trị góp vốn, thoái vốn chỉ được tính bằng giá trị cây đứng (G) mà không tính giá quyền sử dụng rừng (Gsd) trong cơ cấu giá rừng.

b) Rừng trồng: Giá trị góp vốn, cổ phần hóa Doanh nghiệp Nhà nước, thoái vốn Nhà nước bao gồm tổng chi phí đã đầu tư tạo rừng (CPrtt) và thu nhập dự kiến (TNrtt).

3. Định giá rừng trong trường hợp khi có hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại đối với rừng; thiệt hại do thiên tai, cháy rừng và các thiệt hại khác; xác định giá trị rừng phục vụ giải quyết tranh chấp liên quan tới rừng.

a) Rừng tự nhiên: Giá trị thiệt hại bao gồm giá cây đứng, giá quyền sử dụng rừng và thiệt hại về môi trường. Hệ số điều chỉnh thiệt hại về môi trường có giá trị bằng: 05 đối với rừng đặc dụng, 04 đối với rừng phòng hộ và 03 đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên.

b) Rừng trồng: Giá trị thiệt hại bao gồm tổng chi phí đã đầu tư tạo rừng (CPrt) và thu nhập dự kiến trong thời gian sử dụng rừng (TNrt) và thiệt hại về môi trường. Hệ số điều chỉnh thiệt hại về môi trường có giá trị bằng: 03 đối với rừng đặc dụng, 02 đối với rừng phòng hộ và 01 đối với rừng sản xuất.

4. Định giá rừng trong trường hợp cho thuê rừng.

a) Rừng tự nhiên: Giá khởi điểm cho thuê rừng tự nhiên chỉ được tính bằng giá quyền sử dụng rừng (Gsd) mà không tính giá trị cây đứng (G) trong cơ cấu giá rừng tự nhiên.

b) Rừng trồng: Giá cho thuê rừng trồng chỉ được tính bằng thu nhập dự kiến trong thời gian cho thuê rừng (TNrt) mà không tính giá trị tổng chi phí đã đầu tư tạo rừng (CPrt) trong cơ cấu giá rừng trồng.

5. Định giá rừng trong trường hợp thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng đất với rừng trồng mới trồng chưa thành rừng.

Trường hợp rừng mới trồng chưa thành rừng có liên quan đến hoạt động thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giá rừng trồng tối thiểu được xác định bằng tổng chi phí đã đầu tư tạo rừng (CPrt).

6. Định giá rừng trong trường hợp khác theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đồng thời, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho các Sở, ngành liên quan như sau:

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan hướng dẫn, triển khai khung giá rừng trên địa bàn tỉnh để áp dụng theo đúng quy định của pháp luật. Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân, cộng đồng về định giá rừng. Chủ trì phối hợp Sở Tài Chính, ngành, địa phương, đơn vị liên quan trong việc thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh giá rừng đối với từng chương trình, dự án cụ thể, trên cơ sở khung giá các loại rừng trên địa bàn tỉnh. Chủ trì phối hợp Sở Tài Chính hướng dẫn, chỉ đạo các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp có quản lý rừng trong việc xác định giá trị doanh nghiệp và một số nội dung có liên quan đến lĩnh vực tài chính theo quy định của pháp luật. Khi có biến động giá cả trên thị trường ảnh hưởng đến khung giá, phối hợp với Sở Tài Chính đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh khung giá các loại rừng cho phù hợp. Tổng hợp những khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết theo quy định.

Sở Tài chính phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị, địa phương có liên quan hướng dẫn việc thu và quản lý sử dụng nguồn thu từ việc giao rừng, cho thuê rừng, bồi thường rừng, thu hồi rừng theo các quy định.

Các sở, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính trong quá trình triển khai thực hiện.

Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng thực hiện những nội dung có liên quan theo quy định.

TL


Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật