Phát triển chăn nuôi lợn bền vững và chủ động đảm bảo nguồn cung thực phẩm
(binhdinh.gov.vn) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Công văn số 5172/BNN-CN về việc tổ chức phát triển chăn nuôi lợn bền vững và chủ động đảm bảo nguồn cung thực phẩm.
Ảnh minh họa
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan và chính quyền các cấp trực thuộc tăng cường các biện pháp an toàn sinh học trong quá trình chăn nuôi, vận chuyển và giết mổ, kiểm soát tốt các dịch bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là dịch tả lợn Châu Phi; duy trì tổng đàn phù hợp, từ đó ổn định nguồn cung và duy trì mức lợi nhuận hợp lý cho người chăn nuôi, tránh biến động giá như trong thời gian gần đây.
Kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống kênh phân phối thịt lợn; yêu cầu các cơ quan chuyên môn tại địa phương rà soát cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ và đầu mối bán buôn, bán lẻ đối với mặt hàng thịt lợn bảo đảm lợi nhuận hài hòa giữa người chăn nuôi, người cung ứng và người tiêu dùng; kiểm tra ngăn chặn, xử lý nghiêm các hoạt động xuất, nhập khẩu trái phép lợn sống và sản phẩm thịt lợn.
Tổ chức thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, ở nhiều cấp độ, nhất là thông tin về thị trường lợn hơi, giúp cho người chăn nuôi nắm bắt được tình hình thị trường và có kế hoạch chăn nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường; tuyên truyền mạnh về chăn nuôi an toàn sinh học và an toàn thực phẩm.
Khuyến khích và chỉ đạo các tổ chức tín dụng ở địa phương tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nông dân tiếp cận vốn vay với lãi suất ưu đãi giúp người chăn nuôi có nhu cầu chăn nuôi có thể tái đàn, tăng đàn nhằm ổn định sản lượng và nguồn cung thịt lợn cho thị trường trong thời gian tới.
Chỉ đạo các sở, ban, ngành tích cực tham gia và hỗ trợ nguồn lực chuyển đổi số trong chăn nuôi nói chung và đặc biệt là chăn nuôi lợn nhằm dự báo, cân đối cung cầu, gắn sản xuất với thị trường; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn về chăn nuôi, thú y, khuyến nông nắm bắt kịp thời thông tin, số liệu về tổng đàn, sản lượng, từ đó có những khuyến cáo chủ động, những dự báo sát với thực tế thị trường để điều tiết tổng đàn chăn nuôi, trong đó có tổng đàn lợn.
Chỉ đạo phát triển mạnh, hiệu quả, bền vững các liên kết chuỗi và nhân rộng các chuỗi liên kết trong chăn nuôi lợn nói riêng và trong chăn nuôi nói chung; tuyên truyền sâu rộng và nhân rộng mô hình chuỗi liên kết: sản xuất-giết mổ/chế biến-thị trường trong chăn nuôi.
Chỉ đạo phát triển chăn nuôi các giống lợn bản địa, đặc sản có giá trị cao, bảo đảm an toàn thực phẩm, bền vững môi trường, an toàn sinh học và kiểm soát dịch bệnh; nhân rộng các mô hình chăn nuôi lợn bản địa gắn với du lịch sinh thái, tích hợp đa giá trị (ẩm thực, văn hóa, du lịch, sinh thái và kinh tế).
Chỉ đạo các Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với các cơ quan chuyên môn ở địa phương thực hiện đánh giá thực địa, xây dựng kế hoạch chuyển đổi nhanh diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây thức ăn chăn nuôi, trong đó có ngô và các loại cây thức ăn chăn nuôi khác.
Khuyến khích trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn áp dụng các giải pháp công nghệ, xây dựng công thức khẩu phần tối ưu, đảm bảo cân bằng dinh dưỡng và an toàn thực phẩm dựa trên các nguyên liệu phù hợp, sử dụng tối đa các nguyên liệu sẵn có tại địa phương nhằm giảm các chi phí trong sản xuất thức ăn chăn nuôi.