Tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa
Ảnh minh họa
Để bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa, góp phần phòng ngừa và giảm thiểu tai nạn giao thông đường thủy trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, hội đoàn thể tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND tỉnh tại Kế hoạch số 05/KH-UBND ngày 21/01/2020 về triển khai Năm An toàn giao thông 2020 trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 06/9/2016 về tăng cường các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trong tình hình mới và Quyết định số 2073/QĐ-UBND ngày 09/6/2017 về phê duyệt Đề án phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa tỉnh Bình Định năm 2020. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng và thông tin cơ sở những quy định về điều kiện hoạt động của phương tiện, người điều khiển phương tiện thủy; quy định về trang bị và sử dụng áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông và các phương tiện thô sơ, phương tiện thủy loại nhỏ; quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong hoạt động vận tải khách du lịch bằng phương tiện thủy; các nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường thủy tại các bến đò, bến khách ngang sông, hồ ven đầm Thị Nại, hồ ở các huyện, thị xã và các phương tiện thủy chở khách mùa mưa lũ, các biện pháp phòng tránh tai nạn, giáo dục ý thức tốt khi tham gia giao thông;... nhằm nâng cao ý thức chấp hành cho người dân khi tham gia giao thông đường thủy. Thông tin, hướng dẫn và tổ chức cho các chủ phương tiện thô sơ, phương tiện thủy loại nhỏ ký cam kết sử dụng phương tiện thủy đúng quy định; khi chở người phải có đủ chỗ ngồi ổn định, an toàn và có đủ dụng cụ cứu sinh tương ứng với số người trên phương tiện; không chở quá số người quy định; người đi trên phương tiện phải mặc áo phao cứu sinh hoặc mang dụng cụ nổi cứu sinh.
Tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa là nguyên nhân trực tiếp gây mất an toàn như: phương tiện chở quá tải trọng, quá số người được phép chở trên phương tiện, không hướng dẫn, sắp xếp hành khách ngồi trên phương tiện và sử dụng áo phao, dụng cụ nổi theo quy định; phương tiện không đăng ký, đăng kiểm; người điều khiển phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định; cảng, bến thủy không phép, không đảm bảo điều kiện an toàn; khai thác khoáng sản, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, xây dựng công trình ảnh hưởng đến luồng và hành lang bảo vệ luồng đường thủy nội địa; các hành vi vi phạm về điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa;...
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình hành động số 35/CTr-BATGT ngày 12/5/2016 của Ban An toàn giao thông tỉnh về thực hiện Cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước“ giai đoạn 2016-2020 trên tất cả các tuyến, địa bàn đường thủy trọng điểm; xây dựng và phát triển các mô hình văn hóa, như: đoạn, tuyến sông văn hóa – an toàn, cụm cảng, bến văn hóa, văn minh, an toàn, khu dân cư, xóm làng an toàn...
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác phối hợp liên ngành bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa giữa lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông và Đăng kiểm Việt Nam.
Thùy Trang