A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Cúm gia cầm, dịch bệnh vật nuôi và sản xuất chăn nuôi

(binhdinh.gov.vn) - Tại Bình Định, tình hình dịch bệnh động vật cơ bản đã được kiểm soát; nhưng mầm bệnh vẫn còn tồn tại trong môi trường. Hoạt động tái đàn, vận chuyển, mua bán động vật, sản phẩm động vật ngày càng gia tăng. Thêm vào đó, tình hình mưa lũ trong những ngày qua, nhiều địa phương bị ngập nước kéo dài và gia súc, gia cầm bị nước cuốn trôi, là điều kiện thuận lợi phát sinh dịch bệnh. Nguy cơ bùng phát dịch trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến là rất cao. Dó đó, nhằm tổ chức triển khai thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT tại Văn bản số 8878/BNN-TY ngày 27/12/2021 về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh cúm gia cầm. Đồng thời, tăng cường các biện pháp khôi phục sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và phòng, chống dịch bệnh động vật nguy hiểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm 2022 trên địa bàn tỉnh, tại Văn bản 74/UBND-KT ngày 6/1/2022, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Y tế, UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc triển khai một số nhiệm vụ:

Ảnh minh họa

Theo đó, tiếp tục quán triệt, tổ chức triển khai đầy đủ các nội dung theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT tại Văn bản số 8878/BNN-TY ngày 27/12/2021 về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh cúm gia cầm, Văn bản 8961/BNN-CN ngày 28/12/2021 về việc khôi phục sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản sau mưa lũ tại một số tỉnh miền Trung, Tây nguyên và chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 7865/UBND-KT ngày 09/12/2021 về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả heo châu Phi và các bệnh động vật nguy hiểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm 2022 trên địa bàn tỉnh và các văn bản hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT.

Sở Nông nghiệp và PTNT tăng cường kiểm tra công tác tổ chức phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm và các dịch bệnh động vật nguy hiểm; chú trọng, công tác tiêm phòng, giám sát dịch bệnh, nuôi trồng thủy sản, kiểm soát tái đàn, quản lý khai báo chăn nuôi tại các địa phương. Duy trì, phát huy hoạt động Tổ Chống dịch của Sở, chủ động, sẵn sàng hỗ trợ các đia phương chống dịch, khi có dịch xảy ra. Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tổ chức xây dựng và triển khai kế hoạch giám sát chủ động, thu thập mẫu của gia cầm có dấu hiệu mắc bệnh, nghi mắc bệnh Cúm gia cầm và gia cầm tại các địa bàn có nguy cơ cao gửi xét nghiệm xác định nguyên nhân gây bệnh để kịp thời cảnh báo, xử lý, tiêu hủy đàn gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh, dương tính với vi rút cúm gia cầm chủng A/H5N1, A/H5N6 và A/H5N8. Tổ chức thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch tại gốc; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn. Tăng cường hoạt động kiểm tra, phúc kiểm tại Trạm Kiểm dịch động vật Cù Mông, phát hiện và xử ký các trường hợp vi phạm theo quy định. Tổ chức thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở thường xuyên theo dõi đàn vật nuôi, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; chăm sóc, nuôi dưỡng, vệ sinh, tiêu độc khử trùng và hợp tác với cơ quan thú y, chính quyền địa phương trong phát hiện, báo cáo nhanh dịch bệnh để được phối hợp, xử lý kịp thời; tuyệt đối không buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia súc, gia cầm mắc bệnh, vứt xác gia súc, gia cầm, chất thải chưa qua xử lý ra môi trường.

Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc liên quan phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp trong công tác chia sẻ thông tin, tuyên truyền, giám sát dịch tể, phát hiện và xử lý ổ dịch, phát huy hiệu quả quy chế phối hợp theo Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNN&PTNT ngày 27/5/2013 giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Y tế.

UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo tổ chức phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm và các dịch bệnh động vật nguy hiểm thuộc địa bàn. Rà soát, tổ chức tiêm vaccine cúm gia cầm, bảo đảm đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn có nguy cơ; duy trì tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm nuôi mới, tái đàn. Trường hợp xảy ra dịch bệnh, chỉ đạo xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng. Kịp thời hỗ trợ kinh phí cho công tác kiểm tra, giám sát và xử lý dịch bệnh. Hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp tái đàn, chăn nuôi an toàn sinh học; thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng; tiêm phòng đầy đủ vaccine phòng bệnh Cúm gia cầm. Kiểm soát chặt chẽ công tác phát triển tái đàn vật nuôi; nhất là các địa phương bị ảnh hưởng bởi tác động của các đợt mưa lớn vừa qua. Phối hợp Chi cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường giám sát, lấy mẫu gia cầm có dấu hiệu mắc bệnh, nghi mắc bệnh Cúm gia cầm và gia cầm tại các địa bàn có nguy cơ cao, xác định nguyên nhân gây bệnh trong thời gian sớm nhất; kịp thời phối hợp xử lý ổ dịch, hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra. Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện trong trường hợp có xảy ra ổ dịch cúm gia cầm hoặc có mẫu giám sát dương tính với vi rút Cúm gia cầm (i) cần xử lý tiêu hủy công bố dịch và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; (ii) tổ chức điều tra dịch tể; (iii) tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch… Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn giao trách nhiệm cho thú y cơ sở và Trưởng cấp thôn theo dõi, giám sát dịch bệnh và quản lý chăn nuôi. Phát hiện và báo cáo nhanh dịch bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời. Duy trì tổ chức tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm cho đàn gia cầm nuôi mới, tái đàn và tiếp nhận, tổng hợp, báo cáo hoạt động khai báo chăn nuôi theo quy định.

Thùy Trang


Tin nổi bật Tin nổi bật