Triển khai Kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản năm 2023
(binhdinh.gov.vn) - UBND tỉnh vừa có quyết định ban hành kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản năm 2023 trên địa bàn tỉnh.
Ảnh minh họa
Theo đó, kế hoạch đặt ra các chỉ tiêu cần thực hiện đạt trong năm nay như: Tỷ lệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản xếp loại A, B tăng lên 100% so với 99,8 % năm 2022; tỷ lệ các cơ sở nhỏ lẻ ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn tăng lên 92,3% so với 89,2% năm 2022; Tỷ lệ mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản được giám sát vi phạm các quy định an toàn thực phẩm giảm 10%/năm so với năm 2022.
Kế hoạch cũng yêu cầu phấn đấu diện tích trồng trọt, diện tích nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP hoặc tương đương) tăng 10%; mở rộng vùng sản xuất tập trung các sản phẩm chủ lực địa phương theo chuỗi giá trị đảm bảo chất lượng, an toàn, truy xuất được nguồn gốc; Số cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm sản và thủy sản được chứng nhận HACCP, ISO 22000 (hoặc tương đương) tăng 10%....
UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT, các sở ngành liên quan, các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các Chỉ thị, kế hoạch của Trung ương và của tỉnh trên lĩnh vực đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn tỉnh. Tăng cường, đổi mới công tác phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức và hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản. Thực hiện đa dạng hóa các nội dung, hình thức tuyên truyền; thông tin rộng rãi, dễ tiếp cận, đảm bảo các thông điệp truyền thông phù hợp với từng nhóm đối tượng. Đồng thời tăng cường giám sát định kỳ sản phẩm theo đúng quy định, thực hiện thanh tra, kiểm tra liên ngành, hậu kiểm, xử lý vi phạm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản. Giám sát, cảnh báo về dư lượng kháng sinh cấm và các chất độc hại trong sản phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Kế hoạch cũng nêu các nhiệm vụ cụ thể đối với 4 lĩnh vực có liên quan gồm sơ chế, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản; trồng trọt và bảo vệ thực vật; chăn nuôi và thú y; lĩnh vực thủy sản. Trong đó, với trồng trọt, giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại các vùng sản xuất rau trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung vào 8 loại chính: dưa leo, khổ qua, rau má, rau muống, ớt, hành lá, cải, bắp cải…Về chăn nuôi thú y phải đẩy mạnh kiểm tra tình trạng tồn dư chất cấm salbutamol trong nước tiểu trâu, bò và heo tại các điểm chăn nuôi, điểm thu gom và lò giết mổ động vật tại các huyện, thị xã, thành phố…/.