|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tỉnh Bình Định tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia

(binhdinh.gov.vn) - Đến nay, Trung ương đã ban hành cơ bản đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống cơ chế, chính sách khung để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG); theo đó, UBND tỉnh cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo huyện và bộ phân theo dõi, tổng hợp cấp xã, các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã và đang xây dựng, ban hành đầy đủ các văn bản quản lý, điều hành và hướng dẫn thực hiện các chương trình theo phân cấp và thẩm quyền được phân công. Đặc biệt, đã phân bổ nguồn vốn cho từng Chương trình giai đoạn 2021-2025; trong đó đã hoàn thành việc phân bổ chi tiết nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương năm 2022, trình HĐND tỉnh thông qua kế hoạch vốn năm 2023.

Để cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Nghị quyết của HĐND tỉnh về tổ chức triển khai thực hiện và quản lý các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 tại tỉnh, UBND tỉnh Bình Định đã thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh giai đoạn 2021-2025; ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo và thành lập các Tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025.

Trên cơ sở các quy định về cơ chế quản lý, tổ chức, thực hiện các Chương trình MTQG theo Nghị định số 27/2022/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của bộ, ngành trung ương, đến nay UBND tỉnh đã ban hành cơ bản đầy đủ các văn bản pháp lý để chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn thăm và tặng quà cho đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Bok Tới, huyện Hoài Ân. (Ảnh: TTH)

Tại kỳ họp chuyên đề lần thứ 10 của HĐND tỉnh khóa XIII, tổ chức vào ngày 23/3/2023, đã thông qua đối với 03 nội dung liên quan đến các Chương trình MTQG  (quy định tỷ lệ số lượng dự án đầu tư xây dựng thực hiện theo cơ chế đặc thù thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh; quy định nội dung hỗ trợ, mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn dự án, kế hoạch, phương án sản xuất, lựa chọn đơn vị đặt hàng trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh; quy định mức chi hỗ trợ người dân tham gia học xóa mù chữ thuộc chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh) để UBND tỉnh có cơ sở ban hành quy định, tổ chức triển khai thực hiện.

Đến nay, tỉnh Bình Định cũng đã phân bổ nguồn vốn cho từng Chương trình giai đoạn 2021-2025; trong đó đã hoàn thành việc phân bổ chi tiết nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương năm 2022; đang triển khai phân bổ chi tiết kế hoạch vốn năm 2023 theo quy định. Sau khi được giao kế hoạch vốn, các sở, ban, ngành, UBND các địa phương đã khẩn trương triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án thành phần theo kế hoạch vốn đề ra.

Hỗ trợ bò giống cho đồng bào dân tộc thiểu số tại xã An Hưng, huyện An Lão. (Ảnh: TTH)

Kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2022 đã giao cho tỉnh là 442,7 tỷ đồng (bao gồm 305 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và 137,7 tỷ đồng vốn sự nghiệp); vốn đối ứng ngân sách địa phương đã giao là 60 tỷ đồng. Đến nay, tổng số vốn giải ngân 03 Chương trình thuộc vốn ngân sách Trung ương là 213,3 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 39,25%; vốn đối ứng ngân sách địa phương là 39,7 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 66,23%. Cụ thể:

Vốn đầu tư phát triển của Trung ương đối với 03 Chương trình đến nay đã giải ngân là 169,2 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 55,46% kế hoạch vốn giao. Trong đó, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã giải ngân đạt 82,2%; Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đã giải ngân đạt 27,52% và Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã giải ngân đạt 40,09%.

Vốn đối ứng của ngân sách tỉnh đến nay đã giải ngân: Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đạt 97,23% kế hoạch; Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đạt 2,7% kế hoạch và Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt 22,7% kế hoạch vốn giao.

Vốn sự nghiệp của 03 Chương trình đến nay đã giải ngân 44 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 32,02% kế hoạch vốn giao. Trong đó, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã giải ngân đạt 35,5%; Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đã giải ngân đạt 24,32% và Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã giải ngân đạt 35,83%.

Ngoài nguồn vốn ngân sách Trung ương và nguồn vốn đối ứng của ngân sách tỉnh thực hiện 03 Chương trình, còn có sự lồng ghép của các Chương trình, Đề án khác cũng như vốn đối ứng của ngân sách huyện, xã và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác để thực hiện hiệu quả các Chương trình.

Nhìn chung, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, các địa phương tỉnh Bình Định trong tổ chức triển khai thực hiện các các chương trình trình mục tiêu quốc gia, nhờ đó bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tại khu vực nông thôn, miền núi. Điều kiện sống cả về vật chất và tinh thần của phần lớn dân cư nông thôn được nâng cao. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa có chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn. Bộ mặt nông thôn ở nhiều nơi được đổi mới, văn minh hơn, cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp cơ bản bảo đảm, tạo sự thuận lợi trong giao lưu buôn bán và phát triển sản xuất. Thu nhập và điều kiện sống của Nhân dân được cải thiện và nâng cao.

Trong thời gian tới, để tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh, nhất là đảm bảo giải ngân vốn đầu tư công của các Chương trình đạt 100% kế hoạch đề ra, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương tổ chức quán triệt, triển triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nội dung nhiệm vụ tại các chỉ thị, kết luận, công điện, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các Bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh về các chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định. Chủ động, quyết liệt hơn nữa trong công tác triển khai thực hiện dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của các chương trình mục tiêu quốc gia do cơ quan, đơn vị, địa phương mình phụ trách, đảm nhận; phát huy các kết quả đã đạt được, khắc phục các tồn tại, hạn chế, kịp thời tháo gỡ khó  khăn, vướng mắc, tập trung đẩy nhanh tiến độ tổ chức triển khai thực hiện các Chương trình và giải ngân kế hoạch vốn được giao năm 2023, kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023.

Các ngành, các địa phương rà soát, đánh giá, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy trình, thủ tục theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các cơ quan, đơn vị, các cấp cơ sở phù hợp tình hình thực tiễn, tạo điều kiện cho các địa phương, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện thuận lợi, thông suốt, hoàn thành các mục tiêu đề ra; đồng thời, theo chức năng, nhiệm vụ đối với việc triển khai thực hiện các Chương trình MTQG, khẩn trương xây dựng Kế hoạch chi tiết thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia do cơ quan, đơn vị, địa phương mình phụ trách, để có cơ sở tổ chức triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chuyên đề, đột xuất tại cơ sở nhằm kịp thời tháo gỡ hoặc đề xuất tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các Chương trình; nâng cao ý thức của người dân trong việc cùng tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện các Chương trình./.


Tác giả: TTH

Tin nổi bật Tin nổi bật