Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công
(binhdinh.gov.vn) - Chiều ngày 13/4, tại tỉnh Phú Yên, Tổ công tác số 2 của Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến làm việc với 12 tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Trung (từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa) và TP Hà Nội để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bình Định có đồng chí Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành chức năng.
Hội nghị tại điểm cầu Bình Định
Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023 được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao cho 13 địa phương là hơn 129.478 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương hơn 34.844 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương hơn 94.634 tỷ đồng.
Tính đến ngày 10/4/2023, tổng số vốn đã giải ngân của 13 địa phương là hơn 13.803 tỷ đồng (hơn 3.136 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương và hơn 10.667 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương), đạt 10,66% so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm.
Trong đó, có 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao hơn mức bình quân cả nước gồm: Thừa Thiên Huế (18,46%); Nghệ An (13,22%); Quảng Ngãi (13,03%); Thanh Hóa (12,69%); Hà Nội (11,75%); Bình Định (11,01%). 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức bình quân cả nước gồm: Hà Tĩnh (9,78%); Quảng Bình (9,26%); Quảng Nam (7,68%); Phú Yên (6,42%); Quảng Trị (6,05%); Khánh Hòa (5,06%) và Đà Nẵng (3,62%).
Cũng theo báo cáo, có 6 địa phương dự kiến khả năng giải ngân cả năm đạt 100% kế hoạch gồm: Thanh Hóa, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa; 6 địa phương dự kiến khả năng giải ngân trên 95% kế hoạch là: Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Bình Định và 1 địa phương dự kiến giải ngân dưới 95% là tỉnh Quảng Nam.
Tại buổi làm việc, đại diện các địa phương đã chỉ ra các vướng mắc gặp phải trong giải ngân vốn đầu tư công như: Khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư; quy định về lập báo cáo đánh giá tác động môi trường dẫn đến thời gian thực hiện dự án kéo dài; việc thực hiện các dự án đầu tư công sử dụng nguồn vốn thu từ tiền sử dụng đất; một số công việc có trình tự thủ tục nhiều bước, kéo dài; khó khăn về nguyên, vật liệu… Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân chủ quan do chủ đầu tư chưa quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn các dự án trong phạm vi của mình.
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến tại các điểm cầu
Đối với tỉnh Bình Định, trên cơ sở Nghị quyết số 60/NQ-HĐND ngày 10/12/2022 của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4279/QĐ-UBND ngày 19/12/2022 về việc phân bổ và giao kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2023, theo đó tổng kế hoạch năm 2023 cần phải thực hiện là hơn 8.916 tỷ đồng. Đến ngày 29/3/2023, giá trị giải ngân vốn đầu tư công do tỉnh quản lý là hơn 1.430 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 16,04% so với kế hoạch vốn đầu tư do tỉnh giao; đạt 19,26% so với kế hoạch vốn đầu tư do Thủ tướng Chính phủ giao. Trong số 13 tỉnh, thành phố, Bình Định thuộc nhóm 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao hơn mức bình quân cả nước và dự kiến cả năm giải ngân trên 95% kế hoạch.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, giải ngân vốn đầu tư công là vấn đề hết sức quan trọng, nhằm đảm bảo ổn định và phát triển kinh tế – xã hội; là chỉ tiêu đánh giá năng lực chỉ đạo, điều hành. Qua hội nghị, các địa phương đều có sự quyết tâm, nắm chắc tình hình và xác định trách nhiệm giải ngân vốn đầu tư công là trách nhiệm của tỉnh. Phó Thủ tướng Chính phủ hy vọng các địa phương sẽ đạt được mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đã đề ra.
Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương từng bước tháo gỡ vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Các địa phương phải có trách nhiệm trong việc bố trí tái định cư, xây dựng các thiết chế xã hội; công tác giải phóng mặt bằng phải đi liền với tái định cư. Bên cạnh đó, các địa phương khẩn trương hoàn thành quy hoạch tỉnh; nâng cao chất lượng định giá đất theo đúng quy định…
Các bộ, ngành sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Chương trình phục hồi kinh tế. Đồng thời, các bộ, ngành chủ động rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, thúc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.