|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị triển khai thi hành Luật Đất đai

(binhdinh.gov.vn) - Chiều 06/3, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức Hội nghị triển khai thi hành Luật Đất đai bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu Bình Định có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.                                                                                                                                                                                                     

Điểm cầu Bình Định

Luật Đất đai (Luật số 31/2024/QH15) được Quốc hội thông qua ngày 18/1/2024, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5. Luật đã thể chế các quan điểm, chủ trương của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, giải quyết được các vướng mắc, bất cập đã chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai 2013.

Luật Đất đai quy định về chế độ sở hữu đất đai, quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, chế độ quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của công dân, người sử dụng đất đối với đất đai thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Luật gồm 16 chương, 260 điều; trong đó, sửa đổi, bổ sung 180/212 điều của Luật Đất đai năm 2013 và bổ sung mới 78 điều. Đáng chú ý là Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều nội dung mới mang tính đột phá, quan trọng. Điển hình như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; tài chính, giá đất. Cùng với đó là các quy định về đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận chuyển sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về đất đai; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong quản lý, sử dụng đất đai…

Đặc biệt, nhằm xử lý các mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, Luật Đất đai đã dành 01 mục của Chương 16 để sửa đổi, bổ sung một số điều của 08 luật có các quy định liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai, gồm các Luật: Quy hoạch, Đầu tư, Lâm nghiệp, Thủy sản, Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Thi hành án dân sự, Thuế thu nhập cá nhân, Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Đồng thời, Luật cũng bãi bỏ 01 nghị quyết của Quốc hội có liên quan đến Luật Đất đai (Nghị quyết số 132/2020/QH14 của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế).

Bổ sung 8 điều để quy định chuyển tiếp về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; hồ sơ địa chính, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận; tài chính đất đai, giá đất; thời hạn sử dụng đất; để xử lý quyền sử dụng đất của hộ gia đình và để quy định chuyển tiếp một số trường hợp khác khi Luật này có hiệu lực thi hành.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh việc triển khai thi hành Luật Đất đai cần phải kịp thời, có chất lượng, tạo ra những chuyển biến rõ rệt về ý thức, trách nhiệm trong các cơ quan quản lý nhà nước cũng như trong mọi tổ chức, công dân. Vì vậy, để đảm bảo các điều kiện thi hành Luật Đất đai năm 2024, nhanh chóng đưa luật vào cuộc sống ngay khi có hiệu lực thi hành, các địa phương cần bám sát chỉ đạo của trung ương, xây dựng và triển khai chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật đất đai; nâng cao nhận thức về chính sách, pháp luật trong lĩnh vực đất đai cho cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư./.


Tác giả: Kim Loan

Tin nổi bật Tin nổi bật