Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa XIII bước sang ngày làm việc thứ hai
(binhdinh.gov.vn) - Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh, sáng nay (09/12), dưới sự chủ trì của các đồng chí: Hồ Quốc Dũng - Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đoàn Văn Phi - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh đã nghe trình bày một số báo cáo và tờ trình.
Chủ tọa kỳ họp
Trong đó, theo Báo cáo kết quả giám sát “Tình hình thực hiện chính sách phát triển giáo dục đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Bình Định, giai đoạn 2019-2021”, chính sách phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2019-2021 được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện đạt kết quả tốt. Trong giai đoạn 2019-2021, tỉnh đã dành hơn 178 tỷ đồng để thực hiện các chính sách đối với đội ngũ giáo viên, quản lý và hơn 100 tỷ đồng để thực hiện các chính sách đối với học sinh DTTS (miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập; hỗ trợ học bổng và tiền thuê nhà; hỗ trợ bữa ăn trưa…). Ngoài ra, từ nhiều nguồn vốn, tỉnh đã dành trên 98 tỷ đồng để đầu tư, nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất trường, lớp học; xây dựng mới các phòng học mầm non, tiểu học; đầu tư trang thiết bị cho trường học… Đồng thời, các huyện vùng đồng bào DTTS đã sử dụng hơn 78 tỷ đồng để thực hiện kiên cố hóa trường, lớp học và mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học. Theo đó, tỷ lệ học sinh là người DTTS và tỷ lệ học sinh đến trường ngày càng tăng; hệ thống trường chuyên biệt dành cho học sinh DTTS ngày càng phát huy hiệu quả tích cực. Từ kết quả giám sát, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện Tiểu Dự án “Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS”, phấn đấu đến năm 2025 có 100% số trường, lớp học được xây dựng kiên cố theo mục tiêu Nghị quyết của HĐND tỉnh đề ra. Bên cạnh đó, UBND tỉnh rà soát trình HĐND tỉnh ban hành các chính sách đặc thù của tỉnh để hỗ trợ cho giáo viên, học sinh vùng đồng bào DTTS và miền núi, ban hành chính sách cử tuyển gắn với bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp đối với con em đồng bào DTTS trong một số ngành, lĩnh vực (trong đó có giáo dục) theo Chương trình hành động số 07-CT/TU ngày 14/5/2021 của Tỉnh ủy. Đồng thời, xem xét, có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho học sinh vùng đồng bào DTTS và miền núi theo học tại các trường THPT trên địa bàn huyện.
Theo Báo cáo kết quả giám sát “Tình hình, kết quả tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các Dự án tại Trung tâm phát triển quỹ đất trực thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường và Ban Giải phóng mặt bằng tỉnh Bình Định từ năm 2016-2021”, trong giai đoạn 2016-2021, Ban Giải phóng mặt bằng tỉnh đã thực hiện 47 dự án, thu hồi đất của 5.648 hộ và 113 tổ chức và Trung tâm phát triển quỹ đất thực hiện 26 dự án, thu hồi đất của 915 hộ và 23 tổ chức. Qua giám sát, trong quá trình triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, các đơn vị đã phối hợp với chính quyền và mặt trận của cấp cơ sở tổ chức kịp thời việc đối thoại với người dân để giải quyết dứt điểm các yêu cầu, kiến nghị, phản ảnh của người bị thu hồi đất. Cùng với đó, các đơn vị đã tăng cường kiểm tra trách nhiệm trong công tác giải phóng mặt bằng, xử lý các đơn thư liên quan đến bồi thường, giải tỏa đúng thẩm quyền và đúng quy định pháp luật đã làm hạn chế phát sinh đơn khiếu nại, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, không để xảy ra khiếu kiện phức tạp, kéo dài, vượt cấp.
Đặc biệt, tại tờ trình ban hành Nghị quyết Quy định một số chính sách đối với đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Bình Định, UBND tỉnh đề nghị ban hành một số chính sách gồm: chính sách cấp không thu tiền nuối i-ốt, chính sách hỗ trợ học sinh đi học, chính sách trợ giá sử dụng giống lúa lai, chính sách hỗ trợ người có uy tín và chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế. Các chính sách trên dự kiến thực hiện trong 3 năm, từ năm 2023 đến hết năm 2025, với kinh phí thực hiện trên 32,1 tỷ đồng/năm.
Còn tại tờ trình về việc phê duyệt biên chế giai đoạn 2022-2026 và biên chế công chức, số lượng người làm việc năm 2023, UBND tỉnh đề nghị tổng số biên chế công chức của các tổ chức hành chính nhà nước thuộc UBND tỉnh đến hết năm 2026 là 2.095 biên chế, giảm 110 biên chế (tỷ lệ 5%) so với năm 2022; tổng số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập đến hết năm 2026 là 24.318 người, giảm 2.702 người (tỷ lệ 10%) so với năm 2022. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đề nghị bổ sung 310 biên chế giáo viên cho các trường mầm non và phổ thông công lập năm học 2022-2023.
Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thống nhất bổ sung một số nội dung trong chương trình làm việc sáng 9/12.
Tại phiên họp, đại biểu HĐND tỉnh cũng đã nghe các báo cáo liên quan đến công tác nội chính, gồm: Báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023; Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022 và nhiệm vụ, giải pháp thực hiện năm 2023; Báo cáo kết quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022 và nhiệm vụ năm 2023; Báo cáo công tác TAND tỉnh năm 2022 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2023; Báo cáo kết quả công tác kiểm sát của Ngành KSND tỉnh Bình Định năm 2022 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2023; Báo cáo kết quả công tác Thi hành án dân sự, theo dõi Thi hành án hành chính năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2023.
Kỳ họp cũng được nghe Báo cáo thẩm tra nội dung các báo cáo, dự thảo nghị quyết HĐND tỉnh thuộc chức năng của Ban Dân tộc; Báo cáo thẩm tra nội dung các báo cáo, dự thảo nghị quyết HĐND tỉnh thuộc chức năng của Ban Pháp chế HĐND tỉnh; Báo cáo kết quả công tác thu và phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh năm 2022; Báo cáo tình hình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022 trên địa bàn tỉnh.
Chiều nay (09/12), đại biểu HĐND tỉnh thảo luận tại tổ về nội dung các báo cáo, tờ trình đã được trình bày trong phiên họp sáng nay./.