BÁO CÁO KẾT QUẢ KHAI QUẬT KHẢO CỔ LẦN THỨ HAI PHẾ TÍCH THÁP ĐẠI HỮU (THÔN CHÁNH MẪN, XÃ CÁT NHƠN, HUYỆN PHÙ CÁT)
Sáng ngày 31 tháng 7 năm 2024, tại Bảo tàng tỉnh Bình Định, Sở Văn hoá và Thể thao Bình Định phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tổ chức báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ lần thứ hai phế tích tháp Đại Hữu, thuộc thôn Chánh Mẫn, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát. Kế thừa từ kết quả khai quật năm 2023, đợt khai quật lần này diễn ra từ ngày 09/5 đến ngày 10/7/2024, với diện tích khai quật 300m2 đã làm xuất lộ toàn bộ phần thân tháp, nền móng tiền sảnh phía Đông, nền móng chân đế phía Bắc và một phần nền móng chân đế phía Nam và Tây.
Về di tích: Qua đợt khai quật đã làm xuất lộ kiến trúc tháp Đại Hữu, có bình đồ hình vuông với kích thước cụ thể như sau:
- Thân tháp có bình đồ mỗi cạnh dài 9,8m x 9,8m;
- Lòng tháp có bình đồ mỗi cạnh dài 3,8m x 3,8m;
Nền móng chân đế tháp có bình đồ gần vuông mỗi cạnh dài 12,7m x 13m.
Toàn cảnh hố khai quật phế tích tháp Đại Hữu
Tháp có cửa ra vào phía Đông và hệ thống cửa giả. So sánh về bình diện với các tháp Champa khác thì bình diện tháp Đại Hữu có quy mô lớn. Kết hợp giữa quy mô kiến trúc to lớn và nằm trên vị trí cao nhất của đỉnh núi có thể suy luận rằng, kiến trúc xuất lộ trong hố khai quật là ngôi tháp chính (hay còn gọi là Kalan). Chính giữa lòng tháp là hố thiêng đây là kiến trúc trung tâm của ngôi tháp, nằm dưới nền gạch kiến trúc tháp. Kích thước có hố thiêng tương đương với lòng tháp (3,8m x 3,8m), có độ sâu: 1,24m. Trung tâm hố thiêng là trụ thiêng cao: 1,4m; độ sâu: 3,3m.
Về di vật: Quá trình khai quật phát hiện được số lượng 156 hiện vật đá với nhiều loại hình và kích thước khác nhau. Về chất liệu đá, có ba loại là đá cát kết, đá hoa cương và đá ong. Ngoài ra, đoàn khảo cổ còn phát hiện được 522 hiện vật bằng đất nung, bao gồm các loại hình sau: bệ thờ, mảnh minh văn, lá nhĩ đá, đá trang trí điểm góc, phù điêu trang trí hình người, phù điêu trang trí hình động vật, phù điêu hình cánh sen, ngói mũi lá, gốm gia dụng.
Hiện vật điêu khắc đá phát hiện tại phế tích tháp Đại Hữu
Về niên đại: Dựa vào quy mô và mặt bằng kiến trúc, vật liệu trang trí kiến trúc, tiếu tượng học cho thấy sự tương đồng với các di tích như: tháp Dương Long, tháp Hưng Thạnh, tháp Cánh Tiên, phế tích Tháp Mắm…; kết hợp với minh văn đã được phát hiện từ trước cho đến nay, có khả năng phế tích tháp Đại Hữu có niên đại khoảng giữa thế kỷ XIII.
Về kỹ thuật xây dựng: Tháp được xây trên nền đất núi ổn định vững chắc, đảm bảo tính bền vững lâu dài của công trình kiến trúc. Kỹ thuật xây dựng là kỹ thuật mài chập, tạo thành khối thống nhất vững chắc, ổn định, đảm bảo sự bền vững của công trình. Có dấu vết sử dụng chất kết dính làm từ nhựa thực vật. Sự kết hợp chặc chẽ các loại vật liệu với nhau (gạch, đá cát kết, đá hoa cương, đá ong), cho thấy trình độ xây dựng kỹ thuật giai đoạn này đạt đến độ hoàn thiện.
Về giá trị lịch sử, kết quả khai quật cho thấy, di tích được xây dựng trong thời kỳ thịnh vượng của vương quốc Champa vào thế kỷ XIII. Đến thế kỷ XVIII, nơi đây trở thành căn cứ quân sự của nhà Tây Sơn (gắn liền với thành Chánh Mẫn).
Về giá trị văn hóa, phế tích tháp Đại Hữu được xây dựng theo truyền thống, kế thừa tinh hoa nghệ thuật kiến trúc tháp Champa với bình đồ hình vuông, chất liệu xây dựng chính là gạch, kết hợp với sử dụng vật liệu mới từ văn hóa Khmer là đá ong và trang trí kiến trúc mang nghệ thuật điêu khắc phong cách Tháp Mẫm, mang ảnh hưởng nghệ thuật Khmer, kết hợp với tín ngưỡng bản địa thờ Uroja, đã phản ánh mối quan hệ mở rộng giữa vùng đất Vijaya với các nền văn hóa bên ngoài, tiếp thu có chọn lọc làm giàu bản sắc văn hóa Champa trong lịch sử.