|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bình Định tìm giải pháp xử lý rác thải sinh hoạt

Tại tỉnh Bình Định, số lượng rác thải sinh hoạt ngày càng tăng lên do việc tăng dân số và tăng tỷ lệ thu gom. Các bãi chôn lấp hiện nay đang quá tải, một số bãi chôn lấp không hợp vệ sinh. Trong khi đó, công tác quản lý chất thải rắn (CTR) tại Bình Định chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường Bình Định, tính đến năm 2022, tổng lượng CTR sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 1.030 tấn/ngày. Tổng lượng rác thải được thu gom, xử lý trên địa bàn tỉnh khoảng hơn 705 tấn/ngày, chiếm gần 68,5% tổng lượng rác phát sinh. Trong khi tỷ lệ thu gom rác ở khu vực đô thị đạt 82,59% thì tỷ lệ thu gom rác ở khu vực nông thôn chỉ đạt gần 52,5%.

Lượng chất thải sinh hoạt phát sinh mỗi ngày cần được thu gom và xử lý.

Dự báo đến năm 2025, lượng CTR sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 1.200 tấn/ngày và đến năm 2030, khoảng 1.500 tấn/ngày. Hiện rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bình Định sau khi thu gom được đưa về các bãi rác và xử lý bằng phương pháp chôn lấp. Tuy nhiên, trong 11 bãi rác cấp huyện, chỉ có 5 bãi rác được xây dựng đảm bảo quy cách, hợp vệ sinh. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn có 28 bãi rác do cấp xã quản lý, phần lớn không được xây dựng đảm bảo theo quy định. Đối với chất thải nguy hại công nghiệp phát sinh mỗi ngày khoảng 7,4 tấn/ngày, khối lượng được thu gom, xử lý khoảng 6 tấn, chiếm tỷ lệ 81,5%. Tổng lượng CTR công nghiệp thông thường phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 310 tấn/ngày; trong đó, khoảng 85% được tái sử dụng, còn lại được xử lý hoặc chôn lấp chung với chất thải sinh hoạt. Công tác quản lý và vận hành các bãi chôn lấp chủ yếu được giao cho các đơn vị sự nghiệp, công ích. Lượng CTR sinh hoạt được thu gom và xử lý đảm bảo theo quy định (chôn lấp hợp vệ sinh) khoảng 507 tấn/ngày, chỉ đạt 49,22%.

Bà Hà Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở TN&MT Bình Định cho biết, UBND tỉnh vừa có quyết định ban hành kế hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh, theo đó mục tiêu đến năm 2025, 90% CTR sinh hoạt đô thị và 80% CTR sinh hoạt nông thôn được thu gom và xử lý đảm bảo theo quy định; sử dụng phương pháp chôn lấp trực tiếp cho tối đa 30% CTR sinh hoạt đô thị và 50% CTR sinh hoạt nông thôn được thu gom. 100% bãi chôn lấp CTR sinh hoạt tự phát, không hợp vệ sinh phải được xử lý đảm bảo yêu cầu môi trường. Không để phát sinh mới các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, bãi rác tạm trên địa bàn tỉnh.

“Sở TT&MT đã tham vấn ý kiến các chuyên gia, các doanh nghiệp định hướng kêu gọi đầu tư khu xử lý CTR sinh hoạt tại thị xã Hoài Nhơn, ứng dụng công nghệ hiện đại để giải quyết vấn đề cấp thiết cho tỉnh hiện đang quá tải trong việc xử lý CTR sinh hoạt bằng biện pháp chôn lấp. Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các doanh nghiệp, Sở sẽ báo cáo đề xuất UBND tỉnh những chính sách phù hợp thu hút các doanh nghiệp đầu tư dự án xử lý CTR sinh hoạt; ban hành bộ tiêu chí về xử lý, thu gom, xử lý CTR sinh hoạt ứng dụng công nghệ hiện đại trong thời gian tới”, lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Bình Định thông tin thêm.


Tác giả: Ái Trinh
Nguồn:cand.com.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật