A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ GD&ĐT tổng kết năm học 2015-2016 và triển khai nhiệm vụ năm học 2016-2017

Sáng 5.8, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2015-2016 và triển khai nhiệm vụ năm học 2016-2017. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã đến dự và chỉ đạo Hội nghị. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Bình Định.

Tham dự Hội nghị còn có đại diện các vụ, cục, đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT, đại diện một số bộ, ngành, một số trường sư phạm và các Sở GD&ĐT tại 63 điểm cầu trực tuyến.

Tại điểm cầu Bình Định có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đào Đức Tuấn cùng đại diện các phòng, ban thuộc Sở, đại diện lãnh đạo các phòng GD&ĐT, các trường phổ thông, đại học trong tỉnh.

Năm học 2015-2016, ngành GD&ĐT trong nước đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Việc đổi mới hoạt động dạy học, thi, kiểm tra, đánh giá các hoạt động giáo dục có chuyển biến tích cực. Các điều kiện đảm bảo chất lượng được tăng cường, nhờ vậy chất lượng giáo dục, đào tạo tiếp tục được nâng lên. Tính đến hết năm học 2015-2016, cả nước có 50/63 tỉnh, thành phố được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi. 63/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 1. Tính đến tháng 6.2016, 63/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn  phổ cập giáo dục trung học. Chất lượng giáo dục đại học được cải thiện thông qua việc xây dựng chuẩn đầu ra, áp dụng các nhiều chương trình đào tạo được các tổ chức kiểm định quốc tế công nhận, các cơ sở đào tạo chú trọng và đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học.

Năm học qua, hệ thống các trường PTDTNT, PTDTBT, dự bị đại học tiếp tục được củng cố, phát triển về quy mô, mạng lưới. Kết quả giáo dục học sinh dân tộc thiểu số năm học 2015-2016, có 97,24% học sinh hoàn thành chương trình (tăng 0,2% so với năm học 2014-2015), 98,3% học sinh có năng lực Đạt (tăng 0,03% so với năm học 2014-2015) và 99,6% học sinh xếp loại phẩm chất Đạt (tăng 0,1% so với năm học 2014-2015).

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu khai mạc Hội nghị.

Công tác xóa mù chữ, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời được củng cố, từng bước nâng cao hiệu quả và chất lượng. Các trung tâm học tập cộng đồng được quan tâm lồng ghép các chương trình dự án, thu hút 19.019.999 lượt người tham gia học tập.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, trong năm học qua, ngành Giáo dục còn có những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng và thực hiện chính sách; quản lý, chỉ đạo, điều hành; công tác quy hoạch hệ thống, phát triển đội ngũ, phân luồng học sinh. Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống chưa được quan tâm đúng mức.

Năm học 2016-2017, toàn ngành sẽ tăng cường kỷ cương, nề nếp trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, trong đó giáo dục phổ thông chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức, trách nhiệm của công dân đối với xã hội, cộng đồng; giáo dục mầm non chú trọng việc chăm sóc, giáo dục trẻ. Giáo dục đại học và giáo dục chuyên nghiệp chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, giảm tỷ lệ thất nghiệp.

Tại Bình Định, năm học 2015-2016, ngành đã tập trung ưu tiên nguồn lực, hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi trong  năm 2015. Sở GD&ĐT đã chỉ đạo triển khai, kiểm tra, đánh giá, tổng kết các hoạt động đổi mới đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Với giáo dục trung học, Sở đã tích cực tham gia các kỳ thi, cuộc thi cấp Quốc gia và đạt nhiều thành tích nổi bật. Theo đó, có 19 học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp Quốc gia. Học sinh lớp chuyên Toán Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn Lê Nhật Hoàng đã đoạt Huy chương Bạc Olympic Toán học Quốc tế lần thứ 57. Có 3 dự án đạt giải Cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học toàn quốc. Có 18 giáo viên đạt giải trong Cuộc thi dạy học theo chủ đề tích hợp cho giáo viên trung học năm học 2015-2016 do Bộ GD&ĐT tổ chức.

Sở GD&ĐT đã phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh triển khai Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập, học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư” và phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh cấp kinh phí và hướng dẫn mức chi của Đề án “Xây dựng xã hội học tập”.

Năm học qua, các trung tâm giáo dục thường xuyên-hướng nghiệp phối hợp với các trung tâm học tập cộng đồng tổ chức biên soạn tài liệu, chương trình giáo dục đa dạng, đáp ứng nhu cầu “cần gì học nấy” của người dân. Các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp đã tổ chức rà soát, chỉnh sửa, cơ cấu lại nội dung, chương trình đào tạo nhằm đạt tính hợp lý, khoa học, hoàn chỉnh bộ giáo trình cho các môn học.

Toàn tỉnh đã có thêm 2 trường mầm non mới và 1 trường THPT mới. Bằng nhiều nguồn lực, ngành GD&ĐT tỉnh đã đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học, thực hiện tốt chương trình kiên cố hóa trường lớp, tích cực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hoạt động giáo dục.

Công tác xã hội hóa giáo dục tiếp tục được phát huy hiệu quả.  

Dù vậy, trong năm học 2015-2016, công tác quản lý dạy thêm, học thêm còn gặp nhiều khó khăn. Ở một số địa phương, sĩ số lớp tiểu học quá đông gây ảnh hưởng đến việc đánh giá học sinh theo Thông tư 30. Hoạt động của một số trung tâm học tập cộng đồng chưa thật sự hiệu quả…

Hội nghị đã nghe 12 phát biểu của các tỉnh, thành phố kiến nghị về những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ của ngành.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu thực trạng hiện nay bối cảnh hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng, khoa học công nghệ phát triển rất nhanh, làn sóng đầu tư công nghiệp đang tác động mạnh mẽ đến tất cả các nước trong khi chất lượng nguồn nhân lực của nước ta nhiều mặt còn hạn chế. Phải thực hiện hiệu quả hơn việc đổi mới giáo dục đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29, tập trung khắc phục cho được những tồn tại hạn chế, để đột phá, tạo chuyển biến nhanh trong công tác giáo dục đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. 

Kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định nhiệm vụ quan trọng nhất của ngành giáo dục trong năm học mới là nâng cao chất lượng nhà giáo và quản lý giáo dục. Trong 5 giải pháp cơ bản mà Bộ GD&ĐT đưa ra, Bộ trưởng xem cải cách thể chế là giải pháp có tính đột phá trong việc giúp tháo gỡ nhiều nút thắt, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.

Theo Ngọc Tú (baobinhdinh.com.vn)


Tin nổi bật Tin nổi bật