|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ Tư pháp triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022

(binhdinh.gov.vn) -  Sáng ngày 19/7, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2022 bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng chí Lê Thành Long - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và các đồng chí Thứ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì hội nghị.

Các đồng chí Phó Giám đốc Sở Tư pháp: Trương Đình Hy, Phạm Dân chủ trì tại điểm cầu Bình Định.

Điểm cầu Bình Định

Theo báo cáo tại hội nghị, trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành Tư pháp đã bám sát chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt các chương trình, kế hoạch công tác, các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương. Theo đó, kết quả công tác trên hầu hết các lĩnh vực của Bộ, ngành Tư pháp đều tăng cao so với năm 2021. Trong đó, một số lĩnh vực đạt kết quả nổi bật như: Công tác tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật được Bộ, ngành Tư pháp coi trọng, là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Trong 06 tháng đầu năm, các bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 255 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); các địa phương ban hành 1.501 VBQPPL cấp tỉnh, 1.306 VBQPPL cấp huyện và 478 VBQPPL cấp xã; đã tổ chức thẩm định 08 đề nghị xây dựng văn bản và 78 dự án, dự thảo VBQPPL; tổ chức Pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ thẩm định 236 dự thảo; các Sở Tư pháp thẩm định 142 đề nghị xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân và 2.218 dự thảo VBQPPL; các Phòng Tư pháp thẩm định 1.432 dự thảo VBQPPL. Đối với công tác thi hành án dân sự, trong 09 tháng năm 2022 (thời gian tính theo tháng kế tiếp tháng tổng kết của năm liền trước), hệ thống thi hành án dân sự đã thi hành xong là 348.490 việc (đạt tỉ lệ 64,35%), với trên 52.166 tỷ đồng (đạt tỉ lệ 29,47%). Kết quả theo dõi thi hành án hành chính đạt được nhiều kết quả tích cực, đã thi hành xong 94 việc. Bên cạnh đó, việc tham gia ý kiến pháp lý cùng với Chính phủ, chính quyền các cấp về chủ động thích ứng an toàn, hiệu quả phục hồi phát triển được tăng cường. Công tác truyền thông, phổ biến về chính sách, pháp luật mới được tổ chức thực hiện hiệu quả; tỷ lệ hòa giải thành trong các vụ việc ở cơ sở đạt cao… Những kết quả trên đã đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội của đất nước và của từng địa phương.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hội nghị đánh giá công tác tư pháp thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định như: Việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành còn chậm; hồ sơ, dự án Luật trình cơ quan có thẩm quyền chưa bảo đảm tiến độ; việc hướng dẫn nghiệp vụ trong lĩnh vực tư pháp còn chậm; còn xảy ra vi phạm trong hoạt động công chứng, bán đấu giá tài sản…

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cảm ơn, ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của các tổ chức pháp chế, cơ quan tư pháp trong cả nước trong thời gian qua.

Về nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tư pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị các đơn vị thuộc Bộ, tổ chức pháp chế và cơ quan tư pháp, THADS các cấp tập trung thực hiện một số nhiệm vụ: Tiếp tục quán triệt đầy đủ, nghiêm túc các nghị quyết, kết luận của Đảng; triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Tăng cường công tác thẩm định các văn bản, đặc biệt trong bối cảnh cả hệ thống chính trị đang quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, việc thẩm định các văn bản phải tránh lợi ích nhóm trong xây dựng văn bản. Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh kiểm tra, rà soát văn bản có trọng tâm, trọng điểm; đôn đốc, bảo đảm kết luận kiểm tra được thực hiện kịp thời, đúng pháp luật. Chú trọng xử lý kết quả rà soát các quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp với thực tiễn, làm cơ sở đề xuất hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực của Bộ, ngành, địa phương. Tập trung giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài, xử lý thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế và án tín dụng, ngân hàng. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả, đúng thời hạn các nhiệm vụ được giao tại Đề án phát triển ứng dụng cơ sở dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.


Tác giả: Kim Loan

Tin nổi bật Tin nổi bật