A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngành Thanh tra tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp chỉ đạo, điều hành, nỗ lực hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ năm 2022

(binhdinh.gov.vn) - Sáng ngày 07/7, trụ sở Thanh tra Chính phủ (TP. Hà Nội), Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong và các Phó Tổng Thanh tra Chính phủ: Trần Ngọc Liêm, Bùi Ngọc Lam đã chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2022.

 

Chánh Thanh tra tỉnh Nguyễn Văn Thơm chủ trì điểm cầu Bình Định.

Theo báo cáo tại hội nghị, trong 6 tháng đầu năm, hoạt động chỉ đạo, điều hành của ngành Thanh tra luôn được đảm bảo liên tục, thông suốt, bám sát tinh thần nghị quyết và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đạt nhiều kết quả tích cực trong các mặt công tác.

Toàn ngành đã triển khai gần 4.260 cuộc thanh tra hành chính và 77.770 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; đặc biệt, đã tập trung thực hiện cuộc thanh tra chuyên đề việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, Kít xét nghiệm, vacxin, thuốc phòng, chống dịch COVID-19. Qua thanh tra, đã chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 25.022 tỷ đồng, 9.623 ha đất; trong đó, kiến nghị thu hồi 10.268 tỷ đồng và 134 ha đất; ban hành 57.154 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền 4.243 tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 1.682 tập thể và 2.676 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 163 vụ, 89 đối tượng.

Bên cạnh đó, cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã giải quyết 9.865/13.741 vụ việc khiếu nại, tố cáo (KNTC) thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 71,8%. Thông qua công tác giải quyết KNTC đã kiến nghị thu hồi cho nhà nước 3,4 tỷ đồng, 1,6 ha đất; trả lại cho tổ chức, cá nhân 16,9 tỷ đồng, 3,3 ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 20 tổ chức, 258 cá nhân; kiến nghị xử lý 279 người; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 13 vụ, 14 đối tượng. Cơ quan hành chính nhà nước các cấp cũng đã giải quyết 7.220/10.452 vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền, đạt 69,1%; giải quyết 2.645/3.289 vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt 80,4%. Qua giải quyết tố cáo các cơ quan hành chính nhà nước đã kiến nghị thu hồi cho nhà nước 3,3 tỷ đồng, 0,5 ha đất; bảo vệ quyền lợi cho 11 tập thể, 84 cá nhân; trả lại cho các tổ chức, cá nhân 0,3 tỷ đồng, 0,02 ha đất; kiến nghị xử lý 254 người, trong đó có 208 cán bộ, công chức; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 13 vụ, 14 đối tượng.

Cùng với đó, ngành Thanh tra đã triển khai nhiều nhiệm vụ theo Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) 2018, nhất là các nhiệm vụ theo Nghị định 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ; xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương và chỉ đạo, kết luận của Ban chỉ đạo Trung ương PCTN, tiêu cực; tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng...

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn hiện tượng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Việc đôn đốc, thực hiện kết luận, kiến nghị về thanh tra còn bất cập. Việc tiếp công dân định kỳ của thủ trưởng một số bộ, ngành, địa phương còn chưa đầy đủ; nhiều vụ việc KNTC giải quyết còn chậm, kéo dài, khi giải quyết còn sai sót. Một số kế hoạch công tác PCTN triển khai còn chậm; tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn hiệu quả...

Để góp phần thực hiện thắng lợi các Nghị quyết, Chương trình công tác của Ban Chỉ đạo, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo tinh thần “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đề nghị, trong thời gian tới, ngành Thanh tra cần phát huy vai trò theo chức năng, nhiệm vụ của mình để tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp chỉ đạo, điều hành, tạo sự chuyển biến tích cực, quyết tâm, quyết liệt nỗ lực hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ năm 2022.

Trong đó, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục bám sát định hướng Chương trình thanh tra năm 2022, yêu cầu chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan hành chính và tình hình thực tế để tiếp tục tổ chức thực hiện Kế hoạch thanh tra và nhiệm vụ đột xuất do cấp trên giao; xây dựng định hướng Kế hoạch thanh tra năm 2023 có trọng tâm, trọng điểm, bám sát chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cấp ủy, chính quyền các cấp. Tăng cường hơn nữa công tác đôn đốc, xử lý sau thanh tra. Tham mưu triển khai đồng bộ các nhiệm vụ về tiếp công dân, giải quyết KNTC trong bối cảnh trạng thái bình thường mới. UBND các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ để rà soát, đôn đốc, kiểm tra việc giải quyết vụ KNTC phức tạp, tồn đọng, kéo dài; tập trung giải quyết ngay từ cơ sở không để phát sinh điểm nóng, góp phần đảm bảo ổn định chính trị, xã hội, an ninh trật tự, phục vụ tốt cho việc phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện tốt công tác PCTN, tiêu cực theo tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực và Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực cấp tỉnh; thực hiện có hiệu quả những quy định mới về kiểm soát tài sản thu nhập; đôn đốc, hướng dẫn các cấp, các ngành thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa tham nhũng và tăng cường phát hiện tham nhũng, tiêu cực qua hoạt động thanh tra, giải quyết KNTC. Khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm cần chuyển ngay cơ quan điều tra xử lý, không chờ ban hành kết luận thanh tra. Tập trung ngăn chặn và xử lý nghiêm tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong thực thi công vụ. Tập trung hoàn thành các nhiệm vụ về xây dựng thể chế và xây dựng ngành mà trọng tâm là tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) trình Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ Tư. Tiếp tục củng cố và xây dựng tổ chức thanh tra tinh gọn, hiệu quả, hiệu lực, xây dựng lực lượng cán bộ thanh tra chuyên nghiệp, kỷ cương, trách nhiệm, liêm chính, có bản lĩnh đi đầu trong công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực./.

 


Tác giả: Kim Loan

Tin nổi bật Tin nổi bật