Chính sách trợ giá sử dụng giống lúa lai đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện vụ Đông Xuân 2023 - 2024
Ngày 23/11/2023, UBND huyện ban hành Kế hoạch số 254/KH-UBND về việc triển khai thực hiện chính sách trợ giá sử dụng giống lúa lai đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện vụ Đông Xuân 2023 - 2024
1. Mục đích: Thực hiện có hiệu quả chính sách trợ giá sử dụng giống lúa lai đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện theo Quyết định số 84/2022/QĐ-UBND ngày 20/12/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất lúa, tăng sản lượng lúa lai vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giải quyết vấn đề lương thực tại chỗ, góp phần ngăn chặn nạn phát rừng làm nương rẫy, từng bước thay đổi nhận thức, tập quán canh tác, giúp đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện có cuộc sống ổn định hơn; củng cố niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đối với Đảng và Nhà nước.
2. Yêu cầu: Các phòng, ban, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân xã có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống căn cứ chức năng, nhiệm vụ phối hợp triển khai thực hiện các nội dung Kế hoạch. Việc triển khai thực hiện Kế hoạch phải đảm bảo tính đồng bộ, xuyên suốt, kịp thời vụ và hiệu quả; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch.
3. Phạm vi, đối tượng: Hộ gia đình, cá nhân người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Vĩnh An và xã Bình Tân. Qua kết quả rà soát, thống kê, đăng ký của 02 xã Vĩnh An và Bình Tân có 386 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia sản xuất giống lúa lai với diện tích 50,52 ha để được hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 84/2022/QĐ-UBND ngày 20/12/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định.
4. Định mức kỹ thuật
a) Về giống lúa lai: Thực hiện hỗ trợ giống lúa lai với định mức: 45 kg/ha. Loại giống lúa lai: Xã Vĩnh An: Sản xuất 45,22 ha, giống lúa lai HYT 100; tổng lượng lượng giống: 2.034,9 kg. Xã Bình Tân (Thôn M6): Sản xuất 5,3 ha lúa lai Nhị ưu 838; tổng lượng giống: 238,5 kg.
b)Về phân bón: Định mức phân bón cho 01 ha, cụ thể sau: Vôi: 500 kg; Phân hữu cơ vi sinh: 1.000 kg; Phân lân 600 kg; Phân Urê 300 kg; Phân Kali 220 kg; Phân bón lá: 02 lít. Số tiền mua phân bón cho 01 ha lúa: 15.930.000 đồng.
c) Kinh phí hỗ trợ phân bón: Tổng số tiền chi mua phân bón cho 50,52 ha là: 804.784.000 đồng. Cụ thể: Ngân sách huyện hỗ trợ 30%: 241.435.000 đồng; Hộ dân đối ứng 70%: 563.349.000 đồng.
5. Tập huấn kỹ thuật sản xuất lúa lai: Tổ chức 05 lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất lúa lai thương phẩm cho 5 làng của xã Vĩnh An; Tổng kinh phí tập huấn về kỹ thuật sản xuất lúa là: 76.950.000 đồng.
UBND huyện giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện: Phối hợp với các đơn vị có liên quan và UBND xã Vĩnh An, Bình Tân tham mưu UBND huyện triển khai thực hiện Kế hoạch này; hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ giá giống lúa lai cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất vụ Đông Xuân 2023 - 2024 của UBND các xã Vĩnh An, Bình Tân. Phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện tổng hợp, kiểm tra, thẩm định hồ sơ triển khai thực hiện và kinh phí chi hỗ trợ cho các hộ dân tham gia sử dụng giống lúa lai của UBND các xã: Vĩnh An, Bình Tân báo cáo UBND huyện đúng theo quy định. Báo cáo UBND huyện, Ban Dân tộc tỉnh về kết quả thực hiện chính sách trợ giá sử dụng giống lúa lai đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện theo quy định.
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện: Phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện xây dựng định mức kỹ thuật và kinh phí mở lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc lúa lai cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện trình UBND huyện phê duyệt. Phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, UBND các xã: Vĩnh An, Tây Xuân, Bình Tân tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc, trực tiếp kiểm tra, hướng dẫn quy trình sản xuất lúa lai các hộ dân tham gia đạt hiệu quả kinh tế cao.
UBND các xã Vĩnh An, Bình Tân: Trên cơ sở Kế hoạch của UBND huyện, tổ chức thực hiện hỗ trợ giống lúa lai và phân bón cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số của địa phương sản xuất vụ Đông Xuân 2023 - 2024 đảm bảo kịp thời, đạt hiệu quả; lập hồ sơ thanh quyết toán kinh phí theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước. Phối hợp Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện chủ động lựa chọn đơn vị cung cấp giống lúa lai và phân bón đảm chất lượng và kịp thời vụ sản xuất. Chủ động phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện vận động bà con tham gia tập huấn kỹ thuật chăm sóc lúa lai, tổ chức cấp phát giống, phân bón và trực tiếp kiểm tra hướng dẫn các hộ dân trong quá trình chăm sóc lúa lai vụ Đông Xuân 2023 - 2024 đạt hiệu quả cao.