Chủ động phòng bệnh uốn ván, bạch hầu cho trẻ
Bình Định là một trong 30 tỉnh, thành phố có nguy cơ cao được Bộ Y tế đưa vào kế hoạch tiêm bổ sung vắc xin uốn ván - bạch hầu giảm liều (Td) năm 2019 quy mô toàn tỉnh. Đến ngày 15.11, các đơn vị y tế đã rà soát, chốt hơn 28.300 trẻ trong diện tiêm, bao gồm: Trẻ học lớp 2 (năm học 2019 - 2020) và trẻ 7 tuổi không đi học tại cộng đồng.
Rà soát, không để bỏ sót trẻ
Tại huyện Phù Cát, số trẻ trong diện tiêm vắc xin Td chốt ở 18 xã, thị trấn là 3.236 trẻ. Theo dược sĩ Mai Xuân Trình, Phó Giám đốc TTYT huyện, điều tra số lượng trẻ trong diện tiêm là bước quan trọng chuẩn bị cho chiến dịch để hạn chế trẻ bị bỏ sót, công tác này được thực hiện với sự phối hợp chặt chẽ của các trạm y tế và trường tiểu học. Với trẻ tại cộng đồng, trạm y tế xã cùng y tế thôn, cộng tác viên dân số, trưởng thôn… rà soát theo tổ, xóm, thôn; trẻ thuộc đối tượng vãng lai; đặc biệt lưu ý trẻ tại vùng sâu, vùng xa, vùng giáp ranh và nơi có biến động dân cư. Huyện sẽ triển khai chiến dịch từ ngày 16 - 20.12, với 27 điểm tiêm tại trường học và 18 điểm tiêm tại các trạm y tế.
Huyện Hoài Nhơn sẽ tổ chức 45 điểm tiêm vắc xin Td cho trẻ ở trạm y tế và trường học.
- Trong ảnh: Học sinh một trường học trên địa bàn huyện.
Với 4.064 trẻ đã rà soát tại 17 xã, thị trấn, chiến dịch tiêm Td sẽ được huyện Hoài Nhơn tổ chức tại 45 điểm tiêm ở trạm y tế và trường học. Kỹ sư Nguyễn Tự Trọng, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật (TTYT huyện Hoài Nhơn), cho hay: “Các hoạt động truyền thông về bổ sung vắc xin Td trong các trường tiểu học được triển khai và tăng cường thời gian tới để tạo sự đồng thuận trong tiêm chủng cho trẻ. Đồng thời, y tế địa phương tiếp tục phối hợp với các trường học đối chiếu, rà soát trẻ, bảo đảm không bỏ sót, không trùng lặp đối tượng”.
Nhu cầu sử dụng vắc xin Td trong chiến dịch sắp tới của toàn tỉnh là 36.240 liều. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đến thời điểm này đã tiếp nhận vắc xin Td từ Viện Pasteur Nha Trang, chuẩn bị cấp về 11 TTYT huyện, thị xã, thành phố. Chiến dịch sẽ triển khai đồng loạt trong một hoặc nhiều đợt tùy điều kiện của từng địa phương. Trong đó, tiêm cho tất cả trẻ học lớp 2 tại trường học và tiêm cho trẻ 7 tuổi không đi học tại trạm y tế. Đối với các vùng nguy cơ, vùng xa khó tiếp cận, thực hiện theo phương thức cuốn chiếu.
Bảo vệ chủ động cho trẻ
Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Trung cho hay, giai đoạn 2004 - 2010, cả nước ghi nhận 173 trường hợp mắc bệnh bạch hầu, trung bình 25 trường hợp/năm; giai đoạn 2011 - 2018, có 110 trường hợp, trung bình 14 trường hợp/năm. Đặc biệt, từ 2014 đến nay, mỗi năm đều ghi nhận ca tử vong. Phân tích tình hình mắc bệnh cho thấy, nhóm trẻ lớn từ 5 - 14 tuổi chiếm 70,5%, nhóm trẻ dưới 5 tuổi chỉ chiếm 4,8%. Trong khi đó, vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho nhóm trẻ từ 5 - 14 tuổi chưa được triển khai trong tiêm chủng mở rộng.
Mặt khác, Việt Nam đang duy trì thành quả loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh đạt được từ năm 2005, nhưng nhiều năm trở lại đây bệnh vẫn xuất hiện rải rác. Bình Định dù nhiều năm liền không ghi nhận ca bệnh bạch hầu, nhưng việc xuất hiện các ổ dịch bạch hầu ở các tỉnh lân cận như Gia Lai, Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Ngãi là nguy cơ rất cao có thể dẫn đến xâm nhập dịch bệnh này vào tỉnh ta. Năm 2018, trong tỉnh đã ghi nhận 1 trường hợp uốn ván sơ sinh tại thôn T6 (xã Đắk Mang, Hoài Ân).
“Việc triển khai tiêm bổ sung vắc xin Td cho trẻ lớn là rất cần thiết, tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh trong cộng đồng, góp phần quan trọng trong khống chế bệnh”, ông Nguyễn Văn Trung khẳng định.
Tiêm chưa đủ liều phòng bệnh
Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bùi Ngọc Lân, tại Việt Nam, vắc xin phòng bệnh bạch hầu và uốn ván sử dụng trong tiêm chủng mở rộng trước năm 2010 là vắc xin phối hợp 3 thành phần: Bạch hầu, ho gà, uốn ván (DPT), với 3 mũi áp dụng cho trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi. Từ 2011, tiêm chủng mở rộng đưa vào sử dụng vắc xin phối hợp 5 thành phần: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B Hib và bổ sung tiêm nhắc vắc xin DPT4 cho trẻ 18 - 24 tháng tuổi.
“Như vậy, hiện chúng ta mới triển khai tiêm 3 mũi vắc xin chứa thành phần bạch hầu, ho gà, uốn ván cho trẻ dưới 1 tuổi và tiêm nhắc lại khi trẻ 18 tháng tuổi, chưa đủ liều phòng bệnh bạch hầu và uốn ván theo khuyến cáo Tổ chức Y tế thế giới”, ông Lân nhấn mạnh.
MAI HOÀNG
Theo baobinhdinh.com.vn