|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công tác phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai trong Khu kinh tế Nhơn Hội, các khu công nghiệp năm 2011 và phương án nhiệm vụ năm 2012

Năm 2011 tình hình diễn biến mưa lũ tại Bình Định diễn ra bình thường, lượng mưa không nhiều. Tuy nhiên do tình hình khai thác đất đá bừa bãi làm vỡ cơ cấu đất, rừng đầu nguồn bị hư hại không còn khả năng ngăn giữ nước khi mưa, nên một lượng đất cát đã theo đó trôi về phía hạ lưu, san bằng các điểm điều hòa nước, làm cho tốc độ dòng chảy tăng nhanh.

Bên cạnh đó tại KCN Phú Tài – Long Mỹ một số vùng trũng chứa nước trước đây được san lấp giao cho doanh nghiệp, còn các doanh nghiệp sau khi nhận được mặt bằng đã xây dựng nhà xưởng, phần còn lại bê tông hóa nên nước không thấm được vào đất, đã gia tăng thêm tốc độ dòng chảy. Do đó, trong một thời gian rất ngắn nước dồn về khu dân cư ở phía Đông  KCN nhưng chậm thoát qua Quốc lộ 1A, vì hệ thống mương dẫn từ phía Đông KCN Phú Tài và cống thoát qua Quốc lộ 1A không đủ tải, nên đã xảy ra tình trạng  ngập úng.

Công tác PCLB và tìm kiếm cứu nạn năm 2011.

Để chủ động trong hoạt động phòng, chống lụt, bão (PCLB) tại KKT Nhơn Hội và các KCN trên địa bàn tỉnh Bình Định, Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão Khu kinh tế Nhơn Hội và các khu công nghiệp đã xây dựng phương án PCLB năm 2011, đồng thời kiện toàn Ban chỉ huy PCLB KKT. Theo đó, đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban chỉ huy PCLB KKT, theo nhiệm vụ được phân công, các thành viên Ban chỉ huy PCLB KKT đã triển khai một số biện pháp cấp bách trong công tác PCLB đến các doanh nghiệp cũng như các chủ đầu tư trong KKT Nhơn Hội và các khu công nghiệp. Cụ thể như:

Ban Quản lý Dự án hạ tầng: Thông báo tới các chủ đầu tư xây dựng hạ tầng KKT và các DN khẩn trương tìm biện pháp đối phó để hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra.

-  Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Bình Định: Tiến hành nạo vét, khơi thông các tuyến thoát nước trong KCN và gia cố các tuyến ngăn nước tại các vị trí xung yếu, thực hiện việc phân lũ và khơi thông dòng chảy tại các điểm có nguy cơ ngập úng; Thông báo cho các doanh nghiệp KCN thu dọn vật tư, hàng hóa, đất, đá nhằm đảm bảo lưu thông dòng chảy tại các vị trí xung yếu; Phối hợp với UBND phường Trần Quang Diệu và phường Bùi Thị Xuân thông báo cho các hộ dân tháo dỡ các công trình xây dựng lấn chiến đảm bảo lưu thông dòng chảy tại các vị trí xung yếu.

- Ban GPMB và xây dựng khu tái định cư:  Tiến hành nạo vét, khơi thông các tuyến thoát nước trong các Khu TĐC; Phối hợp với UBND phường Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân vận động các hộ dân tại các vùng có nguy cơ ngập úng di dời ra khu tái định cư sinh sống; khảo sát các điểm di dời tạm thời các hộ có nguy cơ ngập lụt để di dời dân khi có mưa, bão xảy ra.

- UBND các phường xã có KKT, KCN: Thông báo cho các hộ dân tháo dỡ các công trình xây dựng lấn chiến đảm bảo lưu thông dòng chảy tại các vị trí xung yếu; Vận động các hộ dân tại các vùng có nguy cơ ngập úng di dời ra khu tái định cư sinh sống; khảo sát các điểm di dời tạm thời các hộ có nguy cơ ngập lụt để di dời dân khi có mưa, bão xảy ra; phối hợp việc thông cống trước Công ty TNHH Trường Lâm nhằm đảm bảo lưu thông dòng chảy và bảo vệ môi trường.

Nhìn chung, nhờ làm tốt công tác chuẩn bị và triển khai phòng tránh, ứng phó với bão lũ nên trong năm 2011 không có thiệt hại gì lớn do thiên tai gây ra. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế cần phải khắc phục như:

- Một số doanh nghiệp chưa thực hiện việc kiện toàn (hoặc quyết định thành lập) Ban chỉ huy PCLB và xây dựng kế hoạch PCLB tại doanh nghiệp để làm cơ sở chỉ đạo công tác PCLB tại chỗ và phối hợp với Ban chỉ huy PCLB KKT, đồng thời thực hiện chưa đầy đủ chế độ thông tin, báo cáo về Ban chỉ huy PCLB KKT đã ảnh hưởng đến tổng hợp chung trong toàn KKT và cả tỉnh.

- Việc chuẩn bị PCBL theo phương châm "4 tại chỗ" chưa thật chu đáo, nhất là các khâu chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ.

- Công tác thông tin tuyên truyền giáo dục chưa đồng bộ và liên tục. Không ít doanh nghiệp chưa coi trọng và còn chủ quan đối với công tác PCLB ngay tại đơn vị mình nên chưa triển khai các biện pháp phòng chống một cách hiệu quả.

- Phương tiện, dụng cụ ứng cứu còn thô sơ, chủ yếu là thủ công.

- Còn có nhiều hộ dân trong vùng trũng thuộc diện phải di dời xuống khu tái định cư nhưng cố tình ở lại, hoặc chưa kịp di dời.

- Các hộ dân thuộc diện khoanh vùng để lại có nhiều nhà cốt nền thấp so với cao trình ngập lũ nên thường ngập úng vào mùa mưa.

- Tình trạng khai thác đất đá trái phép tại núi Hòn Chà vẫn tiếp tục diễn ra, phá hỏng hệ thống cây xanh phòng hộ đầu nguồn, gây sạt lở đất, đá bồi lấp mương, làm tiết diện dòng chảy thu hẹp, chi phí nạo vét cao.

Phương án, nhiệm vụ năm 2012.

Phương án PCLB năm 2012 được xây dựng trên cơ sở tuân thủ phương châm "4 tại chỗ" và cần tập trung thực hiện hoặc phối hợp thực hiện một số nhiệm vụ như sau:

1- Về công tác phòng ngừa lụt, bão, thiên tai:

- Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão Khu Kinh tế thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, tình hình diễn biến của các cơn bão và khả năng đổ bộ vào Bình Định để ứng phó kịp thời. Tiếp nhận cảnh báo thiên tai của  Ban chỉ đạo Phòng, chống lụt, bão Trung ương, Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Bình Định về bão, áp thấp nhiệt đới; về động đất, sóng thần; về lũ, lụt, triều cường, nước biển dâng, nguy cơ sạt lở đất,... thực hiện truyền đạt kịp thời tin báo, cảnh báo và các biện pháp khẩn cấp chỉ đạo ứng phó đến các doanh nghiệp KKT, KCN và các thành viên Ban chỉ huy PCLB KKT bằng văn bản, phương tiện truyền tin nhanh nhất. Nghiêm túc thực hiện chế độ trực ban trong mùa mưa bão theo quy định, đảm bảo thông tin, liên lạc chỉ huy thông suốt trong mọi tình huống.

- Trong phạm vi quản lý của mình, Ban chỉ huy PCLB KKT phối hợp với các cơ quan liên quan, đơn vị và doanh nghiệp KKT, KCN thường xuyên kiểm tra các biện pháp phòng chống trước khi bão lũ xảy ra; đánh giá chất lượng, mức độ an toàn của công trình, phương tiện, điều kiện đi lại của công nhân lao động ở từng doanh nghiệp nhằm kịp thời phát hiện và yêu cầu có biện pháp sửa chữa, khắc phục các hạng mục công trình hạ tầng, nhà xưởng của doanh nghiệp đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão.

- Các Doanh nghiệp KKT, KCN tổ chức rà soát lại phương án PCLB tại doanh nghiệp theo phương châm “4 tại chỗ”, xây dựng, thành lập đội PCLB của Doanh nghiệp nhằm bảo đảm điều kiện xử lý, đối phó với bão, lũ xảy ra;  thường xuyên kiểm tra việc thực hiện trang bị phương tiện PCLB, đồ dùng bảo hộ cho đội PCLB (như áo mưa, mũ bảo hiểm, ủng đi mưa, đèn pin, đèn chống bão,…) và một số phương tiện khác phục vụ cho công tác PCLB. Theo đó, thực hiện rà soát, kiểm tra các công trình xây dựng như nhà làm việc, nhà xưởng, tường rào cổng ngõ, nhà kho,… nhất là các khung nhà tiền chế, mái tôn nhà xưởng, các kho chứa vật tư, hoá chất… để có phương án sửa chữa hoặc gia cố vững chắc, kịp thời nhằm nâng cao độ an toàn và sức chống đỡ khi có thiên tai. Đồng thời, kiểm tra, sửa chữa lại các hệ thống thoát nước mặt, nạo vét khơi thông cống rãnh tại mặt bằng doanh nghiệp để khi mưa bão lớn không xảy ra tình trạng ngập lụt.

- Ban Quản lý dự án hạ tầng đôn đốc các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạng mục công trình hạ tầng KKT, các khu tái định cư, công trình thoát nước … trong KKT và có các biện pháp ứng phó an toàn trước mùa mưa bão. Có kế hoạch phòng chống, nhất là tại những điểm có nguy cơ sạt lở, ngập úng trong Khu kinh tế Nhơn Hội. Phối hợp với UBND các xã liên quan kiểm tra các khu vực dân cư chưa giải tỏa trong Khu kinh tế, các hộ dân tại những điểm xung yếu dễ ngập nước để có kế hoạch lên phương án di dời sớm hoặc khắc phục tạm thời.

- Công ty CP Đầu tư và Xây dựng đôn đốc các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hạng mục công trình đang xây dựng sớm hoàn thành trước mùa mưa bão. Đối với những công trình có thời gian thi công kéo dài do vướng GPMB, Công ty phải có phương án phòng chống nhất là những vùng giáp ranh khu dân cư khoanh vùng để lại có nguy cơ ngập úng mà hiện nay chưa xây dựng được. Xây dựng kế hoạch và biện pháp chống lụt bão ở những thời điểm thường xảy ra mưa bão hàng năm nhằm giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, nhất là các công trình xây dựng hệ thống thoát nước chung cho KCN. Thực hiện khơi thông dòng chảy các hệ thống mương, rãnh thoát nước ở trong KCN và những khu vực giáp dân có nguy cơ ngập úng đảm bảo thoát nước trong mùa mưa, bão.

- Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng phối hợp với UBND các phường, xã nơi có KKT, KCN thực hiện rà soát, kiểm tra các khu vực dân nằm trong KCN ở những vùng trọng điểm, xung yếu dễ ngập nước để có biện pháp xử lý khắc phục kịp thời, riêng đối với các hộ dân ở vùng trũng, thấp phải có kế hoạch di dời ra khỏi vùng có nguy cơ ngập lụt. Đồng thời kiểm tra và đề xuất khơi thông các hệ thống mương, rãnh thóat nước ở các khu tái định cư tránh tắc nghẽn và ngập úng.

- Điện lực Bình Định và Công ty Cổ phần xây lắp điện Tuy Phước (đơn vị kinh doanh điện) thực hiện kiểm tra toàn bộ hệ thống điện do mình quản lý và vận hành nhằm đảm bảo an toàn hệ thống điện, tránh xảy ra sự cố đường dây đặc biệt là trong mùa mưa bão. Đồng thời, đề nghị các đơn vị viễn thông có biện pháp bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt trong thời gian mưa bão để nắm bắt và xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

- Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho các doanh nghiệp kiến thức, kinh nghiệm và pháp luật về phòng, chống lụt, bão, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.

 

2- Tổ chức ứng phó khi xảy ra lụt, bão, thiên tai:

- Ban chỉ huy PCLB KKT và từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện nghiêm chế độ trực ban trong mùa mưa bão theo quy định, đảm bảo thông tin, liên lạc chỉ huy thông suốt trong mọi tình huống từ Ban chỉ huy đến các doanh nghiệp KKT, KCN và UBND các phường, xã nơi có KKT, các KCN. Theo đó, ngoài việc chủ động ứng phó ngay tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần phản ảnh kịp thời các yêu cầu hỗ trợ ứng phó vượt khả năng của mình để Ban chỉ huy PCLB KKT có biện pháp điều phối chung hỗ trợ xử lý.

- Ban chỉ huy PCLB KKT phối hợp với UBND các phường, xã và các doanh nghiệp KKT, KCN để tổ chức kịp thời và an toàn việc sơ tán, di dời dân ra khỏi khu vực xung yếu, nguy hiểm đến nơi tạm cư kiên cố, chắc chắn. Đồng thời có kế hoạch bảo vệ tài sản của dân tại khu vực đã sơ tán, di dời.

- Khi xảy ra sự cố, Ban chỉ huy PCLB KKT thực hiện ngay biện pháp huy động lực lượng, vật tư, phương tiện dự trữ để cứu hộ người, nhà cửa, công trình,... và báo cáo kịp thời cho cơ quan cấp trên để chi viện, hỗ trợ khi cần thiết và vượt khả năng.

3- Khắc phục hậu quả lụt, bão, thiên tai:           

- Các cơ quan, đơn vị và các doanh nghiệp KKT, KCN chủ động thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả bão lụt như tập trung lực lượng, kinh phí để nhanh chóng sửa chữa, khôi phục các công trình phòng, chống lụt, bão và các công trình hạ tầng bị thiệt hại, hư hỏng, đảm bảo trong thời gian sớm nhất đưa vào sử dụng và trở lại hoạt động bình thường, phục hồi sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tổng hợp báo cáo ngay thiệt hại do lụt, bão, thiên tai gây ra (nếu có) cho Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão Khu Kinh tế để tổng hợp báo cáo chung.

- Từng thành viên Ban chỉ huy PCLB KKT và doanh nghiệp KKT, KCN thực hiện việc kiểm tra, tổng hợp, đánh giá tình hình thiệt hại trong KKT, KCN sau mỗi đợt mưa bão để báo cáo, đề xuất kiến nghị cấp có thẩm quyền nắm bắt tình hình và kịp thời xử lý giải quyết các vấn đề liên quan.


Tin nổi bật Tin nổi bật